Quản lý ngân quỹ hiệu quả, Kho bạc Nhà nước nộp ngân sách hơn 26 nghìn tỷ đồng
(DNTO) - Từ năm 2019 đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nộp ngân sách hơn 26,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ, riêng năm 2024 nộp 2.850 tỷ đồng.
Thông tin tại buổi họp báo về kết quả trọng tâm năm 2024 của hệ thống Kho bạc, chiều 13/1, bà Trần Thị Huệ, Phó tổng Giám đốc KBNN cho biết, thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã nộp vào ngân sách trung ương 2.850 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ. Tính từ năm 2019 đến nay, tổng số nộp ngân sách trung ương từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của KBNN đạt 26.244 tỷ đồng.
Về công tác huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ, trong năm 2024, KBNN đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2024 là 11,12 năm; thời gian đáo hạn bình quân danh mục là 9,02 năm. Lãi suất phát hành bình quân năm 2024 là 2,52%/năm, thấp hơn 0,69 điểm phần trăm so với năm 2023 (3,21%), giúp giảm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.
Trong năm 2024, KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá 2 đợt về mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Theo đó, đợt 1 kết quả mức độ hài lòng đạt 99,91%, đợt 2 đạt 99,93%.
Phó tổng Giám đốc Trần Thị Huệ cho biết, trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, hệ thống KBNN xác định mục tiêu và phương châm hành động năm 2025 là: “Tập trung nguồn lực, trí tuệ hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và các đề án, chính sách; đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch”.
Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài khóa, đảm bảo nguồn lực ngân sách được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tính đến hết ngày 31/12/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên đạt 1.168.542 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán, cao hơn 165.208 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng mức tăng 7,4% về tỷ lệ so với dự toán.
Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 540.534,3 tỷ đồng; bằng 79,5% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về tiến độ giải ngân đầu tư công những ngày đầu năm 2025, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, cho biết, giải ngân đầu tư công qua hệ thống Kho bạc đến nay ước đạt 85,5%. Dự kiến đến ngày 31/1/2025, tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ đạt 92 - 92,5%.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% nguồn vốn đầu tư công. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 12.2024 vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% hoặc rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hà Nội (10,31%), Bộ Y tế (15,43%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (17,78%)…
Một số địa phương giải ngân dưới 50% như Kon Tum (41,45%), Kiên Giang (41,8%), Bình Phước (49,82%). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng phủ giao cho cả nước. Tuy nhiên, thành phố hiện mới giải ngân trên 51% và điều này ảnh hưởng nhiều tới kết quả giải ngân chung của cả nước.