Nỗ lực chống độc quyền mới ngăn chặn thương vụ 69 tỷ đô la của Microsoft - Bài 1: Những tưởng thành công
(DNTO) - Trong một quyết định vô cùng bất ngờ, các nhà làm luật Anh Quốc đã ngăn cấm thương vụ trị giá 69 tỷ đô la của Microsoft, đánh dấu một thay đổi tiến bộ của chính sách chống độc quyền.
Khi các “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook, Google bành trướng trong đầu thế kỷ 21, các nhà làm luật đã làm lơ, không can thiệp vào một thị trường dịch vụ mạng còn đang non trẻ.
Nhưng nay có vẻ như thái độ đã lộn ngược, cho thấy một tầm nhìn mới xa hơn vào tương lai của giới lập chính sách.
Cánh cửa đóng sập
Minh chứng cho thái độ đó là quyết định ngăn cấm thương vụ sát nhập trị giá 69 tỷ đô la của Microsoft, mua lại hãng sản xuất game giải trí Activision Blizzard. Các quan chức Anh Quốc cho biết lý do chủ chốt đằng sau quyết định này là lo ngại vụ sát nhập sẽ đe dọa thị trường game giải trí điện toán đám mây non trẻ.
Dịch vụ game điện toán đám mây, hay còn gọi ngắn gọn là cloud gaming, là dịch vụ cho phép stream game giải trí qua mạng Internet đến tận thiết bị của người dùng, tương tự như stream phim ảnh. Dịch vụ này hứa hẹn không cần dựa dẫm vào cấu hình thiết bị cao, chỉ cần kết nối mạng là đủ để thưởng thức.
Kết luận của các giới làm luật Anh Quốc tương tự với quan ngại của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (U.S. Federal Trade Commission - FTC). FTC năm ngoái đã khởi kiện để ngăn chặn chính thương vụ này. Tuy ủy ban này tập trung vào lý do độc quyền ngành game giải trí nói chung, họ cũng nhắc đến việc cần bảo vệ tính cạnh tranh cho ngành cloud gaming.
Thương vụ mua lại Activision Blizzard của Microsoft đã có thể là vụ sáp nhập công ty công nghệ tiêu dùng lớn nhất kể từ khi AOE mua lại Time Warner vài thập kỷ trước. Với cái giá 69 tỷ đô la, Microsoft sẽ đoạt được một trong những hãng phát hành game lớn nhất thế giới, cùng hàng loạt tựa game được xem là không thể bỏ qua của giới mộ điệu như Call of Duty, Diablo, WoW,...
Microsoft mong rằng “kho vũ khí” của Activision sẽ giúp họ tăng tính cạnh tranh với các đối thủ Sony và Nintendo. Và dù cho có sự chống đối của FTC, thương vụ này có vẻ như đã thành công 99%... cho đến khi quyết định của chính quyền Anh Quốc đóng sập cánh cửa một cách vô cùng bất ngờ.
Động thái mới
Tại sao thương vụ của Microsoft lại thất bại? Thực chất, hãng này chỉ là một trong những “nạn nhân” của một động thái mới từ các nhà làm luật.
Các nhà làm luật đang tìm cách dự đoán sự cạnh tranh “không lành mạnh” trong các ngành non trẻ để tìm cách ngăn chặn từ sớm.
Trong tháng vừa qua, FTC cũng đã ra lệnh cho hãng công nghệ sinh học Illumina bán Grail, một công ty hãng này vừa sáp nhập, với lý do bảo vệ tính cạnh tranh cho ngành thí nghiệm máu của bệnh nhân ung thư mới mẻ.
Tháng 7 năm ngoái, FTC cũng đã kiện Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, tìm cách ngăn chặn họ mua lại Within, một hãng startup công nghệ thực tế ảo. FTC cho rằng vụ sáp nhập này sẽ cho phép Meta có quá nhiều quyền lực trong ngành công nghệ thực tế ảo đang mới nổi.
Những động thái này cho thấy chính phủ các nước đang bực bội với việc các công ty Thung lũng Sillicon vội vã tìm cách thống trị các phân mảng công nghệ còn chập chững.
Nay các nhà làm luật tìm cách dự đoán sự cạnh tranh “không lành mạnh” trong các ngành non trẻ để tìm cách ngăn chặn từ sớm.
Diana Moss, Chủ tịch của Viện Chống độc quyền Hoa Kỳ, cho biết: “Các nhà làm luật phải đi trước đón đầu vấn đề”.
Bài 2: Tiên đoán không phải dễ