Game Việt ‘sớm nở, tối tàn’ và giấc mơ doanh thu triệu USD
(DNTO) - Sự cạnh tranh của các loại game lậu, sự phát triển rời rạc của các nhà phát hành... đang khiến giấc mơ doanh thu triệu USD của ngành game Việt trở thành thách thức không nhỏ.
Vẫn tư duy “ăn xổi, ở thì"
Năm 2022, thế giới có 3,2 tỷ người chơi game, chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Tổng doanh thu ngành game đạt 198 tỷ, theo Newzoo.
Tại Việt Nam có 28,4 triệu người chơi game, chiếm 30% dân số. Doanh thu ngành game đạt 200 triệu USD mỗi năm, xếp thứ 5 tại Đông Nam Á. Nếu Flappy Bird đưa nước ta thành tân binh ngành công nghiệp game thì Axie Infinity giúp game Việt tiếp tục tỏa sáng nhờ. Hiện trong nước có với 200 công ty sản xuất và phát hành game, nhưng thị trường vẫn còn rất nhỏ so với thế giới.
Trong Diễn đàn Game Việt sáng 1/4, chia sẻ về lý do nhiều game nội lâm vào tình trạng “sớm nở, tối tàn, ông Đào Việt Anh, Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft, cho rằng có sự khác biệt giữa việc phát triển thị trường game trong và ngoài nước.
Thế giới phân loại người chơi và người xem. Người chơi có thể tạo ra các nội dung game, các sản phẩm và tạo xu hướng để lôi kéo người xem. Việt Nam gộp chung là game thủ nên rất ít nhà sản xuất tạo ra được các sản phẩm có độ sâu.
“Có nhiều nhà phát triển game nước ngoài săn đón đã khiến nhà phát triển game chia làm 2 trường phái. Một là sản xuất các game mì ăn liền (thể loại hyper casual) kiếm tiền nhanh hơn. Thứ hai là gia công vì các hãng nước ngoài trả lương, chi phí tốt hơn”, ông Việt Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Antoine Brochet, đại diện Amazon Web Service, cho biết đa phần người chơi trong các game “sớm nở tối tàn” là đầu cơ, không phải game thủ. Vì vậy muốn phát triển thì các nhà phát triển phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao trải nghiệm người dùng, nhanh chóng "bắt trend" theo từ khóa hot. Đặc biệt, nên tận dụng các công nghệ mới nổi như tự động hóa, AI để giảm thời gian thử nghiệm, đưa ra thị trường sớm hơn.
Trăn trở khi người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox cho rằng một phần do trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi game khá cao của người trong nước. Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc, người chơi họ thường chọn game trong nước vì thị trường nội địa có những nhà phát triển game rất tốt.
“Một phần do các doanh nghiệp game trong nước chưa tập hợp được với nhau, nếu cùng phát triển sẽ làm được những game lớn như nước ngoài”, ông Liêm nói.
Mặt khác, thiếu nhân lực trong ngành game cũng là lý do khiến nhà phát triển Việt Nam khó cạnh tranh. Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin nhưng tổng số lập trình viên chỉ có 430.000, có nghĩa thiếu hụt tới 20.000 vị trí. Trong khi đó, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự bành trướng của game lậu
Sự xâm nhập của các công ty game nước ngoài dẫn đến sự yếu thế của game nội, theo các đơn vị phát triển game thì một phần đến từ sự bất bình đẳng khi phải đối mặt với game lậu vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và đóng thuế.
Đây cũng là thách thức lớn với sự phát triển của ngành game Việt, được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhìn nhận.
Cụ thể, khi game mobile phát triển, chiếm 90% game trong nước, nhiều đối tượng lợi dụng hệ thống Google Play và Apple Store đưa game lậu vào thị trường, thu tiền dễ dàng thông qua kênh thanh toán gắn với 2 nền tảng này.
Do đó, 2 năm vừa qua, cơ quan chức năng đã phải đàm phán, thậm chí đấu tranh với Google, Apple để chặn gỡ game lậu. Kết quả, đã gỡ 200 game trên Google app và 90 game trên Apple store.
“Con số này sẽ còn tăng nữa", ông Tự Do nói và cho biết Bộ đã làm việc với các ngân hàng, trung gian thanh toán để chặn việc thanh toán game lậu. “ Mỗi cuối tháng Bộ sẽ gửi danh sách cho ngân hàng để ngăn chặn thanh toán cho các game lậu”.
Về việc đưa lĩnh vực game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC cho biết doanh thu ngành game Việt hiện chỉ đạt dưới 0,5% trong tổng giá trị toàn cầu. “Thị trường nội địa đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro, nếu áp thêm thuế thì làm sao có cơ hội", ông Bảo băn khoăn và hi vọng sẽ có chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp cống hiến, tránh việc “chảy máu chất xám”.
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây xây dựng lộ trình 5 năm (2022-2027) phát triển lĩnh vực game. Trong đó đặt mục tiêu doanh thu ngành game đạt 1 tỷ USD (hiện là 600 triệu USD), số doanh nghiệp hoạt động ngành game tăng từ 30 lên 150 doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.
“Bộ cũng kết nối một số doanh nghiệp Trung Quốc, sắp tới là Hàn Quốc, Mỹ đến Việt Nam đầu tư. Đồng thời kết hợp chặt chẽ một số ngành để bỏ thuế không hợp lý, chuẩn bị ban hành nghị định quản lý ngành game để bỏ một số giấy phép, giúp các doanh nghiệp phát triển", đại diện Bộ này cho biết.
Các chuyên gia trong Diễn đàn cũng đánh giá, game Việt có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường nội địa có dân số đông và trẻ, Internet giá rẻ, tốc độ mạng cao nhất Đông Nam Á. Số lượng người sử dụng smartphone trên 90% người trưởng thành. Vì vậy, chính sách và sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành sẽ tạo cú hích cho thị trường game phát triển.