Ngành game giải trí đang phải hãm thắng
(DNTO) - Các hãng trong ngành game giải trí đang phải huỷ bỏ nhiều dự án, cắt giảm chi phí trong bối cảnh ngành này đang mất dần đà tăng trưởng.
Một loạt các hãng phát hành videogame đã phải tiến hành cắt giảm chi phí và huỷ bỏ nhiều dự án game, bởi người tiêu dùng đang giảm bớt chi tiêu cho game giải trí, trái ngược với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ dịch Covid-19.
Ngành game giải trí đang phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm nhu cầu thuyên giảm sau đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới và trào lưu tương tác online đang nguội dần.
Người tiêu dùng đã giảm mức chi tiêu cho các loại hình giải trí tương tác, với mức độ thấp hơn rất nhiều so với mong đợi của các nhà phát hành game.
“Dự đoán chiều hướng đi xuống hai lần trong một năm là một việc rất khác lạ với công ty của chúng tôi” - Strauss Zelnick, Giám đốc điều hành của Take-Two Interactive Software Inc., phát biểu.
Take-Two đã phải hạ mức doanh thu dự đoán của quý 2 sắp tới. “Đó là sự phản ánh cho tình trạng thị trường bất ổn”, Strauss Zelnick nhấn mạnh.
Những người chơi game đang tập trung “hầu bao” của họ vào các tựa game có tên tuổi lớn như Call of Duty của Activision Blizzard Inc. hay FIFA, đến từ hãng Electronic Arts Inc. Họ không còn hào hứng với việc thử nghiệm các thể loại mới hay tựa game có chủ đề không phổ biến - theo dữ liệu của các chuyên gia phân tích.
“Các tựa game ở tầng thấp đã phải vất vả khi hầu bao của người tiêu dùng bị co hẹp”, theo chuyên gia Mike Hickey của hãng Benchmark.
Ngành phát hành game đã phải tìm cách thay đổi tiêu chí của họ và cắt giảm chi phí.
Trong những tuần vừa qua, ngành game đã chứng kiến một loạt các tin đáng lo ngại.
Ubisoft đã phải hủy bỏ ba dự án phát triển game, sau khi đã hủy bốn dự án hồi năm ngoái.
Electronic Arts đã đóng cửa game trên nền tảng di động Apex Legend, thuộc dòng game lớn nhất của hãng này, cùng lúc trì hoãn ngày công bố tựa game theo chủ đề Star Wars.
Take-Two thì phải tung ra một kế hoạch cắt giảm nhân sự, cơ sở hạ tầng và nhiều thứ khác.
“Xu hướng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2022, đặc biệt là trong những tuần cuối cùng của tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, đã cho thấy chiều hướng đi xuống rất rõ rệt” - Ubisoft, hãng đằng sau tựa game ăn khách Assassin’s Creed, cho biết.
Nhìn chung, ngành phát triển game giải trí tại Mỹ đã có mức trả phí dịch vụ thuyên giảm 2% trong 3 tháng cuối 2022.
Mức chi tiêu cho game trên nền tảng di động, vốn được xem là phân khúc phát triển nhanh nhất của ngành, đã giảm 12% trong quý vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu của Sensor Tower Inc.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều ngoại lệ. Activisions báo cáo doanh thu trong kỳ nghỉ lễ cũng như tổng cộng toàn năm 2022 đã vượt dự đoán của giới phân tích. Hãng này đang trong vòng đám phán để được mua lại bởi “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft với cái giá 75 tỷ đô la.
Activisions là chủ sở hữu của nhiều dòng game lớn như Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush.
Một kẻ thắng thế khác lại là Roblox Corp, hãng đã có giá cổ phiếu dâng cao tuần trước sau khi công bố doanh thu vượt dự đoán trong kỳ nghỉ lễ. Dịch vụ game trực tuyến của Roblox nhắm vào trẻ em ở độ tuổi 13 trở xuống.
Tuy vậy, Roblox cũng đã phải công bố họ sẽ cắt giảm chi tiêu trong 2023 xuống 25% đến 30%.
Các “đối thủ nặng ký” trong ngành công nghệ cũng phải quay mặt với ngành game. Năm ngoái, Google đã đóng cửa dịch vụ game trực tuyến Stadia. Facebook công bố họ sẽ ngưng phát triển game thực tế ảo “Echo VR”.
Lạm phát cao, nhu cầu giải trí tại gia giảm sau đại dịch, cộng với trào lưu metaverse, NFT và các công nghệ mới đang mờ nhạt dần, đã đẩy ngành game giải trí vào thế “phòng thủ”.
“Ta sẽ vẫn còn thấy các tựa game lớn được tung ra, nhưng sáng tạo mạo hiểm cho các trải nghiệm mới sẽ không còn được theo đuổi bởi các hãng phát hành lớn”, theo Joost van Dreunen, người dạy kinh doanh trò chơi điện tử tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York.
“Tất cả bọn họ sẽ né tránh rủi ro", Joost van Dreunen đánh giá.