Nỗ lực chống độc quyền mới ngăn chặn thương vụ 69 tỷ đô la của Microsoft - Bài 2: Tiên đoán không phải dễ
(DNTO) - Các nhà làm luật cố gắng chống độc quyền bằng cách “tiên đoán” cho những ngành công nghệ mới mẻ. Nhưng liệu sự “tiên đoán” đó có chính xác?
Từ sự hối hận
Một động lực cho sự thay đổi thái độ này là thất bại trước đó trong việc ngăn chặn độc quyền của các công ty công nghệ khổng lồ.
Trong những năm 1970-1980, nhiều tòa án và thậm chí những nhà lập chính sách đã bác bỏ luận điểm các cuộc sáp nhập có thể gây nguy hại đến tính cạnh tranh trong tương lai. Đã rất khó để các tòa án xác định tính chất của những ngành thương mại mới mẻ, nên các nhà làm luật chủ yếu nhắm vào những ngành đã trưởng thành.
Gần nhất có thể kể đến là vào 2012, khi Facebook thành công mua lại Instagram, và 2014 khi hãng này sáp nhập WhatsApp. FTC đã từ chối không can thiệp cho cả hai lần. Rồi đến 2020, FTC bỗng dưng “hối hận” và phải kiện Facebook vì các hành vi ngăn cản các công ty cạnh tranh non trẻ.
Tương tự, FTC đã từng để Google mua lại hãng phần mềm quảng cáo DoubleClick vào 2007. Đến tận năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ mới thú nhận Google đã lạm dụng độc quyền cho thị trường quảng cáo trực tuyến.
Gene Kimmelman, cựu nhân viên của mảng chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết trong những ngày đầu của mạng Internet, các cơ quan quản lý đã “do dự trong dự đoán tương lai”.
“Sau đó, bạn tua nhanh 20 năm sau, đã có nhiều phê phán tại sao chúng tôi không thấy được những gì có thể xảy ra,” ông nói.
Để ngăn chặn làn sóng lấn át của các hãng công nghệ khổng lồ đó, các nhà làm luật không những phải mạnh tay mà còn phải đảm bảo biện pháp của họ thật sự hữu hiệu.
Hiệu quả chưa rõ
Vẫn không rõ liệu nỗ lực mới của giới làm luật có thành công hay không. Vào tháng Hai, một thẩm phán đã bác bỏ tố cáo của FTC, cho phép thương vụ của Meta được thực hiện. Trong khi đó Illumina cho biết, họ có kế hoạch kháng cáo.
Tuy vậy, mục tiêu chính của các nhà làm luật, các nhà hoạt động, giới lập chính sách, vẫn là ngăn chặn quyền lực bành trướng của các công ty công nghệ lớn.
Những công ty lớn nhất ngành công nghệ vẫn đang tiếp tục “ngoạm” lấy bất kỳ công nghệ nào có tiềm năng. Meta đang đầu tư mạnh tay cho ngành thực tế ảo, trong khi Apple cũng đang phát triển mắt kính thực tế ảo của riêng họ. Ở chiến trường khác, Google và Microsoft đang “chạy đua vũ trang” với công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Để ngăn chặn làn sóng lấn át của các hãng công nghệ khổng lồ đó, các nhà làm luật không những phải mạnh tay mà còn phải đảm bảo biện pháp của họ thật sự hữu hiệu.
Liệu có oan cho Microsoft?
Đối với thương vụ của Microsoft, mặc dù lo ngại của chính quyền Anh Quốc nhắm tới sự độc quyền của cloud gaming, nhưng ngành này vẫn là một “thị trường ngách”.
Các quan chức cho biết ngành cloud gaming có thể đạt giá trị 13,7 tỷ đô la toàn cầu trong 2026, và với thương vụ Activision Blizzard, Microsoft có thể chiếm 60% đến 70% thị phần. Microsoft cũng có nhiều công nghệ điện toán đám mây phù hợp cho ngành này, chẳng hạn như dịch vụ Azure.
Nếu có cơ hội cho các hãng non trẻ nhảy vào thị trường để cạnh tranh và đột phá, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho việc đó diễn ra, còn hơn là cho phép các chiến thuật cạnh tranh khóa cứng thị trường
Chủ tịch FTC - Lina Khan
Nhưng cloud gaming vẫn còn quá mới mẻ, không có gì là chắc chắn. Ngành này đòi hỏi đầu tư máy trạm có sức tính toán cao và thường có lỗi. Chưa kể là không ai rõ liệu thể loại dịch vụ này có thể trở nên phổ biến hay không.
Doanh thu cho các dịch vụ cloud gaming được dự đoán sẽ đạt chỉ 288 triệu đô la trong năm nay, dựa theo dữ liệu của Ampere Analysis.
Chuyên gia nghiên cứu Piers Harding của Ampere Analysis cho biết: “Tính toán của họ cũng có lý, nhưng đây là một mảng rất khó đoán”.
Tầm ngắm của các quan chức chống độc quyền còn nhìn đến nhiều lĩnh vực khác. Trong một sự kiện hồi tháng 3, chuyên gia chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ - Jonathan Kanter và Chủ tịch FTC - Lina Khan, đều cho biết họ đang quan tâm đến công nghệ trí thông minh nhân tạo, như ChatGPT. Đây có thể là một loại công nghệ đột phá mới, và là một mục tiêu chín mùi cho các hãng thâu tóm.