Nhìn thấy nhiều lĩnh vực tiềm năng, các nhà đầu tư Anh ồ ạt rót vốn vào Việt Nam
(DNTO) - Các nhà đầu tư đến từ Anh đang tích cực rót vốn mạnh vào thị trường năng lượng Việt Nam, bên cạnh các ngành công nghiệp, bất động sản…
Năng lượng tái tạo là "thỏi nam châm" hút vốn
Enterprize Energy là “ông lớn” trong ngành năng lượng ở Anh, với thế mạnh khai thác dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện. Tại Việt Nam, Enterprize Energy được biết đến là một trong những nhà đầu tư Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư lên tới gần 17 tỷ USD.
Đây được xem là khoản đầu tư lớn được cam kết từ Anh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực. Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện hiệp định này, Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.
Kể từ đó, đầu tư trực tiếp từ Anh vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Tính đến ngày 20/10/2023, nước này đã có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2023, Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD.
“Gần đây, các dự án về năng lượng tái tạo Việt Nam được Anh đầu tư rất nhanh, rất mạnh. Nước này đã và đang chú ý đầu tư vào lĩnh vực mà chúng ta cần”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng 11, một phái đoàn gồm 14 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo, đã đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác tiềm năng và thảo luận về cơ hội hợp tác.
Trước đó vào tháng 8, trong chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Vương Quốc Anh Graham Stuart, vị này cũng tới thăm các nhà máy Điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Mũi Né ở Bình Thuận, cùng dự án 80MW năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Anh đầu tư.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Graham Stuart tái khẳng định Chính phủ Anh sẵn sàng tiếp tục hỗ trơ Việt Nam chuyển dịch năng lượng. Hiện Vương quốc Anh nằm trong nhóm đối tác quốc tế hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư Anh thực sự quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt đừng ngó lơ thị trường Anh
Theo ông Ngô Chung Khanh, Anh là một cường quốc nên cũng có định hướng hợp tác toàn cầu, đặc biệt khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện rõ ràng trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế của Anh. Điển hình như nước này đã hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP, hay Anh cũng đang muốn trở thành đối tác của ASEAN.
Vì vậy, các nhà đầu tư Anh sẽ chú ý đến Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới, khi các khuôn khổ có hiệu lực hay khuôn khổ đang chuẩn bị đạt kết quả thực thi tốt hơn.
“Anh đang muốn thâm nhập sâu hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong khi ta đã có UKVFTA thì tôi cho rằng không có lý do gì để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh lại quên Việt Nam. Các khuôn khổ này sẽ tạo thêm những động lực mới để các nhà đầu tư Anh tìm đến Việt Nam nhiều hơn, hợp tác nhiều hơn”, ông Khanh nói.
Ông Khanh khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn tới thị trường này, bởi hiện tỷ trọng của thị trường Anh chỉ chiếm 1,5-1,6% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này rất đáng tiếc vì đây là thị trường tiềm năng.
Nếu so với thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, Vương Quốc Anh hiện chưa phải là thị trường quá lớn. Tuy nhiên, sau khi UKVFTA được kí kết, năm 2021, xuất khẩu của ta sang thị trường này tăng trưởng 19%. Năm 2022 tăng khoảng 1,9% do khó khăn về kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất nhập khẩu sang các thị trường chủ lực sụt giảm hàng chục %, thì xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang Anh vẫn tăng trưởng. Điển hình như ngành da giày tăng trưởng hơn 10%.
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết Bộ Công Thương sẽ hõ trợ để kết nối doanh nghiệp Anh vào hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao công nghệ sản xuất, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Anh.
“Doanh nghiệp Việt có cơ sở vững chắc nhưng cũng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí sản xuất bền vững, tuân thủ ESG. Nếu có thêm công nghệ, vốn từ phía Anh là một điều rất thuận lợi. Khi có sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 bên thì lợi ích của UKVFTA phát huy cho cả 2 phía cùng hưởng lợi”, ông Khanh nói.