Nhà đầu tư ngoại tốc lực săn các thương vụ M&A mới tại Việt Nam
(DNTO) - Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... vẫn sẵn sàng mang dòng vốn vào Việt Nam thực hiện thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) vì đây là thị trường sinh lời cao cho họ.
Một thị trường có lợi nhuận cao
12 năm gia nhập thị trường Việt Nam, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, nói rằng Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp cho mọi công ty Nhật. Công ty này đang hoạt động toàn cầu nhưng tập trung 80% vào các thương vụ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Chúng tôi vừa tổ chức một hội nghị toàn cầu tại TP.HCM, thu hút rất nhiều đối tác quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ. Sau hội nghị, chúng tôi quyết định sẽ có 1 đội ngũ chuyên trách làm việc tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang rất hào hứng với các dự án điều phối vốn ở các thị trường về Việt Nam", ông Yoshida nói trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2023.
Ông Khanh Vũ, Phó Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity cho biết trong môi trường lãi suất cao, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lợi nhuận cao hơn. Việt Nam hiện là một trong những thị trường hiếm hoi mang lại lợi nhuận khá cao, trong khi các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… không còn tăng trưởng như trước.
Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên trong 6 tháng qua đã giảm lãi suất, ngân hàng dồi dào thanh khoản, doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng vay để đầu tư sản xuất kinh doanh, trong khi một số thị trường vẫn gia tăng lãi suất. Ngoài ra, dự báo sang năm 2024, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP tốt nhất trong khu vực châu Á. Vì vậy không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng quay lại nơi đây để tìm kiếm các thương vụ mua bán và sáp nhập.
“Khi tôi nói chuyện với các nhà đầu tư ở London (Anh), họ rất quan tâm tới tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Hãy tưởng tượng 4 năm tới, 1/2 dân số Việt Nam trở thành tầng lớp trung lưu thì rõ ràng đây là cơ hội rất tuyệt vời để đầu tư cho dịch vụ y tế, nhà ở, ngân hàng", ông Vũ phân tích.
Theo số liệu từ KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính, và bất động sản.
Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD, giá trị thương vụ lớn nhất ghi nhận đến 1,45 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,3% từ năm 2008.
Nhật Bản, Singapore, và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.
Vì sao chưa có nhiều ‘đại bàng’?
Trả lời câu hỏi vì sao thị trường M&A Việt Nam rất tiềm năng và luôn duy trì mức độ tăng trưởng kép nhưng vẫn chưa thấy “đại bàng”, ông Khanh Vũ cho rằng do mức độ thanh khoản. Bởi hiện trên thị trường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 80 - 90% nên không tạo ra nhiều cơ hội.
“Nhà đầu tư luôn muốn có lợi nhuận và khả năng thoái vốn, nên phải xác định thanh khoản đầu vào dòng tiền, đầu ra dòng tiền, đây là vấn đề quan trọng chúng ta phải cải thiện”, ông Khanh Vũ nói.
Ngoài ra, các thương vụ M&A Việt Nam đa phần vẫn phải kéo dài tới 1 năm, không giống như các nơi khác chỉ kết thúc từ 3-6 tháng. Bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập & Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn thương vụ ASART cho biết chỉ 10% thương vụ hoàn tất trong 6 tháng, trong trường hợp 2 bên đã rất hiểu nhau.
“Có công ty mất 3 tháng để hoàn tất bản kế toán thì chắc chắn thương vụ M&A sẽ phải kéo dài. Còn công ty chưa bao giờ tham gia M&A thì có thể mất thêm 6 tháng tìm hiểu. Có công ty cỡ vừa ở Việt Nam, doanh thu 20 - 30 triệu USD nhưng vẫn không biết định giá là gì. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp muốn M&A phải tìm hiểu trước về các quy trình thì mới đóng sớm các thương vụ”, bà Bình Lê cho biết.
Ghi nhận doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng hàng hóa, dịch vụ và đội ngũ nhân sự tốt, nhưng ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Capuchia cũng thừa nhận họ còn nhiều điểm yếu về quản trị công ty, tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi cổ đông... Ngoài ra, trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp nếu có các khoản nợ xấu, chi phí vay quá cao, huy động vốn trái phiếu có lãi suất cao cũng rất dễ gặp vấn đề.
“Đây là một trong những vấn đề tiên quyết, doanh nghiệp phải tái cấu trúc nếu không sẽ bị ép giá”, ông Warrick Cleine nhấn mạnh.
Vị này cho biết các nhà đầu tư đang quan tâm 2 chủ đề về M&A tại Việt Nam là: đầu tư vào sản xuất để xuất khẩu và đầu tư vào công nghệ hỗ trợ giúp xuất khẩu.
Còn theo bà Bình Lê, xu thế đầu tư về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) ngày càng tăng cao. Hiện mỗi năm, tối thiểu 2/5 thương vụ yêu cầu có ESG trong quá trình thẩm định. Đây sẽ là yếu tố chính yếu thúc đẩy các thương vụ mua bán và sáp nhập trong tương lai.