M&A lĩnh vực ngân hàng: Cuộc 'sàng lọc' ngày càng khắc nghiệt
(DNTO) - Hàng loạt các ngân hàng đã có "bến đỗ" sau nhiều năm nỗ lực tái cơ cấu chưa thành công cho thấy dù làn sóng M&A ngân hàng yếu kém mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng với sự vào cuộc ngày càng tích cực của các "ông lớn" tài chính hứa hẹn sân chơi này ngày càng "chất" hơn.
Các thương vụ M&A ngành ngân hàng Việt được dự báo sẽ "rầm rộ" trong thời gian tới. Cơ sở để các chuyên gia đưa ra nhận định này là bởi lẽ, lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam đang nổi lên thành một điểm sáng. Thu hút mọi ánh nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Thời gian qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) "khủng" của ngành tài chính - ngân hàng. Trong đó, không thể không nhắc tới VPBank, với việc nhà băng này muốn bán 49% cổ phần FE Credit cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, VPBank đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện Ngân hàng cho biết, sẽ sớm thực hiện trong 2022- 2023.
Trước đó, việc SMBC "chia tay" với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư này sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là khi mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% cổ phần FE Credit.
Ngoài ra, một thương vụ M&A trị giá tỷ USD được thị trường kỳ vọng có thể diễn ra thời gian tới. Chẳng hạn, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, nếu thành công sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được Vietcombank đặt ra từ lâu, nhưng chưa hoàn tất.
Giới phân tích tài chính cho rằng, xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng.
Đặc biệt, để "xử lý" ngân hàng yếu kém, mới đây Chính phủ giao cho một vài ngân hàng được nghiên cứu phương án hỗ trợ các “ngân hàng 0 đồng”. Theo đó, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm DongABank và 3 ngân hàng “0 đồng” là CBBank, Oceanbank, GPBank.
Trong các động thái "tuýt còi" đến nhóm này, đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến vai trò của các phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng của các ngân hàng. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sẽ quan tâm đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu đối với các “ngân hàng 0 đồng”. Đối với các ngân hàng yếu kém, M&A là cơ hội để “thay da đổi thịt”.
Theo đó, dù chưa cái tên nào chính thức được công bố, song với các động thái của các ngân hàng thương mại gần đây, có thể thấy, nhiều thương vụ đã gần như được “chốt sổ”, như MB nhận chuyển giao bắt buộc Ocean Bank. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Giữa tháng 10/2022, Ocean Bank và MB Ageas Life đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Cùng chung "thế cờ", Vietcombank là ngân hàng thứ hai lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, thương vụ M&A của Vietcombank không chứa đựng yếu tố bất ngờ nào, bởi đối tác nhận chuyển giao bắt buộc gần như chắc chắn là CBBank - ngân hàng yếu kém mà Vietcombank được giao nhiệm vụ hỗ trợ từ năm 2015.Điểm chung của tất cả thương vụ ngân hàng yếu kém phải "bán mình" lần này là hình thức M&A khác hoàn toàn với giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con). Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc này có pháp nhân độc lập với ngân hàng nhận chuyển giao, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.
Các chuyên gia nhìn nhận, ngành tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ M&A. Lý do là, số lượng ngân hàng vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.
Với sự tham gia của các "ông lớn" ngân hàng giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu sẽ được tiếp cận nguồn tiền tươi, cũng như tăng cơ hội cho vay, bán chéo sản phẩm, đổi mới năng lực quản trị… Nhìn vào năng lực tiền tươi, các ngân hàng tham gia M&A ngân hàng yếu kém lần này đều có nền tảng tài chính vững mạnh.
"Tái cơ cấu là cần thiết để củng cố hệ thống ngân hàng. Điều kiện thị trường không thuận lợi sẽ buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn với các tiêu chí định giá để giao dịch “đáng đồng tiền bát gạo”. Sự "sàng lọc" thời gian qua cho thấy rằng, đây sẽ là xu hướng khắt khe đối với các giao dịch M&A mục tiêu để nhận được cái gật đầu từ phía các nhà đầu tư", giới phân tích chỉ rõ.
Đồng thời nhấn mạnh, các phương pháp tái cơ cấu mà một chính phủ có thể thực hiện có thể dẫn đến kết quả và tác động khác nhau. Việt Nam đã nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng bằng các chiến lược khác nhau. Có chiến lược được cho là ít tốn kém nhất để cải cách hệ thống ngân hàng và có chiến lược đã cho thấy hiệu quả trong nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên, mọi thứ cần có thời gian và dù quá trình tái cấu trúc có thể không làm tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng ngay lập tức, nhưng cuối cùng sẽ cải thiện toàn bộ ngành tài chính - ngân hàng.
Đánh giá dòng vốn M&A tới đây, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, sẽ diễn ra mạnh hơn, và chủ yếu vẫn đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, và kỳ vọng sẽ có thêm nguồn vốn từ các nước châu Âu khi kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
"Tuy nhiên, để thu hút được thêm nhiều nguồn vốn ngoại, cần hơn nữa sự nhất quán, không chồng chéo trong hành lang pháp lý và tiếp tục tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa ngân hàng thương mại nhà nước, tư nhân và ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, bản thân ngân hàng cũng phải tự trưởng thành, học tập về quản trị, điều hành để tạo sự hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại, đặc biệt là đáp ứng các chuẩn mực quản trị quốc tế cao hơn như Basel III…".
Ngoài ra, chúng ta cũng cần cân nhắc nới room ngoại, điều này vừa giúp ngân hàng Việt tăng vốn, vừa giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính ngân hàng khá nhạy cảm. Các ngân hàng thương mại Việt Nam không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn giúp thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu khối ngoại tham gia quá sâu sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu này, vì vậy đây là bài toán cần cân nhắc cẩn trọng trong thời gian tới.