Hoạt động M&A toàn cầu dự kiến tăng trưởng vào nửa sau 2023, dù tiếp tục đối mặt khó khăn
(DNTO) - Hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng vào nửa sau năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.
Trong báo cáo "Các xu hướng M&A toàn cầu 2023", của PwC vừa phát hành cho thấy, mặc dù các giao dịch toàn cầu đang phải chịu tác động từ kinh tế vĩ mô, như lo ngại suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị - chiến tranh ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, song 60% CEO toàn cầu cho biết, họ không có ý định trì hoãn các giao dịch vào năm 2023
Báo cáo cho thấy hoạt động M&A, đặc biệt là tối ưu hóa danh mục đầu tư, tiếp tục là cơ hội chiến lược cho những nhà đầu tư trên thị trường, bất chấp những thách thức đến từ kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Đây vẫn là công cụ giúp các CEO tái định vị doanh nghiệp của họ, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được kết quả bền vững trong dài hạn.
Hoạt động M&A toàn cầu năm 2022
Hoạt động M&A toàn cầu vào năm 2022 khác nhau giữa các khu vực. Trong năm 2022, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) ghi nhận số lượng giao dịch nhiều hơn châu Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp chi phí năng lượng cao hơn và những bất ổn trong khu vực. Điều này cho thấy sự dịch chuyển của các nhà đầu tư khi tìm kiếm cơ hội và tăng trưởng ở các thị trường nước ngoài.
Tại Trung Đông và Châu Phi, khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 12% và 37% từ năm 2021 đến 2022. Với khoảng 20.000 giao dịch vào năm 2022, hoạt động trong khu vực này vẫn cao hơn 17% so với mức trước đại dịch năm 2019.
Tại Châu Mỹ, khối lượng và giá trị giao dịch (khoảng 18.000 giao dịch) đã giảm lần lượt 17% và 40% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2022. Giá trị giao dịch đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Số lượng giao dịch quy mô lớn (megadeals) ở Hoa Kỳ, có giá trị vượt quá 5 tỷ USA, gần như giảm một nửa từ 81 xuống 42 từ năm 2021 đến 2022. Mức sụt giảm trở nên đáng kể hơn trong nửa cuối năm, chỉ có 16 giao dịch quy mô lớn so với 26 giao dịch trong nửa đầu năm 2022.
Tại Châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 16.000 giao dịch), khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 23% và 33% trong giai đoạn 2021 - 2022. Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt giảm 46% và 35%, do bị ảnh hưởng của Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu suy giảm. Các công ty muốn tiếp cận thị trường châu Á đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài Trung Quốc, ví dụ như Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Ấn Độ đã nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ và xếp thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc.
Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam nhận định: "Trong những tháng gần đây, chúng ta đang chứng kiến nhiều thương vụ "tập hợp" trong các thị trường phân mảnh để mở rộng quy mô, thoái vốn chiến lược khỏi một số doanh nghiệp Việt Nam để cân đối dòng tiền nhằm đối phó với áp lực đáo hạn trái phiếu. Chúng ta cũng thấy xu hướng chia tách công ty đối với các công ty gia đình có quy mô lớn có liên quan đến các sự kiện chuyển giao tài sản, tiến hành thương vụ để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, và bán một phần doanh nghiệp hoặc cổ phần để có vốn tài trợ cho hoạt động mở rộng chiến lược, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á để quản lý căng thẳng chính trị và chuỗi cung ứng trong khu vực”.
Triển vọng M&A 2023: Xu hướng đầu tư tại Việt Nam
Biến động kinh tế vĩ mô và xung đột địa chính trị có ảnh hưởng khác nhau lên các ngành. Những ngành được dự đoán sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A vào năm 2023, bao gồm: Công nghệ, truyền thông và viễn thông: Số hóa vẫn đang là mối quan tâm chính với nhiều doanh nghiệp. Tương tự năm 2022, các giao dịch phần mềm sẽ tiếp tục chiếm phần lớn: 2/3 (71%) hoạt động giao dịch công nghệ và 3/4 (74%) giá trị giao dịch. Viễn thông, metaverse và trò chơi điện tử sẽ là các lĩnh vực nóng, thu hút hoạt động M&A vào năm 2023.
Nhóm ngành sản xuất công nghiệp và ô tô cũng có cơ hội lớn trong 2023, khi việc tối ưu hóa danh mục đầu tư sẽ thúc đẩy việc thoái vốn và mua lại, đặc biệt là những hoạt động tập trung vào tính bền vững và đẩy nhanh quá trình số hóa.
Nhóm dịch vụ tài chính, với sự gián đoạn từ các nền tảng giao dịch và FinTech tạo ra những biến đổi nhanh về công nghệ trên toàn ngành, cũng như thúc đẩy hoạt động M&A trong khi các nhà giao dịch tìm cách thu hút năng lực số.
Năng lượng, tiện ích và khai thác cũng là những nhóm ngành được dự đoán tạo cơ hội tốt cho hoạt động M&A vào 2023. Việc chuyển đổi năng lượng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư và đội ngũ quản lý, hướng khối lượng vốn lớn vào hoạt động M&A và các dự án phát triển vốn.
Mảng thị trường tiêu dùng, dù vẫn còn những thách thức với người tiêu dùng năm 2023, việc đánh giá danh mục đầu tư và tập trung vào các giao dịch chuyển đổi sẽ tạo ra cơ hội cho M&A.
Nhóm y tế và sức khỏe cũng có nhiều cạnh tranh, khi nhu cầu đổi mới sáng tạo hướng tới tăng trưởng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A vào năm 2023. Công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển sản phẩm y tế (CRO/CDMO), công nghệ Y tế (MedTech), các giải pháp chăm sóc sức khỏe hướng tới người tiêu dùng và số hóa y tế dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Ngoài ra, biến động kinh tế vĩ mô và địa chính trị cũng có thể tạo ra lợi thế và thách thức cho các bên khác nhau. Theo đánh giá của PwC, trong bối cảnh thắt chặt tài chính, doanh nghiệp nào có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Đối với các quỹ đầu tư tư nhân, trong bối cảnh này, nếu các quỹ xem xét các giao dịch mới và tập trung vào việc tạo ra giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư thì sẽ tạo ra cơ hội. Hoạt động này sẽ đi cùng với việc tối ưu hoạt động vận hành, xây dựng công ty và thoái vốn.
Đối với các quỹ tín dụng và thị trường tư nhân, việc các quỹ này cho vay sẽ giành được thị phần M&A từ các ngân hàng và trở thành chìa khóa để cung cấp thanh khoản cần thiết, đặc biệt là trong các giao dịch thương vụ cỡ trung.
Đặc biết, báo cáo của PwC cho thấy, nhà đầu tư mạo hiểm có thể rút lui khỏi một số khoản đầu tư rủi ro. Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ khí hậu vẫn là một điểm sáng, với hơn một phần tư tổng số vốn đầu tư mạo hiểm hiện đang dành cho danh mục này, đặc biệt là những công nghệ tập trung vào việc cắt giảm khí thải.
"Năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các CEO tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bắt đầu tích hợp ESG vào kế hoạch kinh doanh khi các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên các yếu tố này trong kế hoạch đầu tư của họ”, ông Ong Tiong Hooi cho biết..