Nhiều ngành nghề xuất khẩu đã 'lên dây cót', hứa hẹn phá vỡ kỷ lục mới trong năm 2022
(DNTO) - Với động lực và tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua thách thức, chinh phục thị trường, hàng loạt lô hàng lớn của các doanh nghiệp đã được làm thủ tục xuất khẩu đi các nước trước và ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, báo hiệu một năm nhiều tin vui cho xuất khẩu.
Vào thời khắc chuyển giao năm mới, lễ phát lệnh xuất khẩu lô hàng đầu xuân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với chiếc container đầu tiên được xếp lên tàu Capa Quest, ước khoảng 210.000 tấn hàng được rời bến cảng Cát Lái xuất khẩu đi nước ngoài, đã mở ra nhiều triển vọng về tăng trưởng xuất khẩu, cũng như mang theo hy vọng khởi đầu một năm mới thuận buồm xuôi gió, tạo "luồng sinh khí mới" cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển tại TP.HCM.
"Năm 2022, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trong toàn hệ thống tăng trưởng 6,8%, tức là đạt 9,5 triệu Teus container xuất nhập khẩu, tương đương 135 triệu tấn hàng hóa. Để đạt mục tiêu này, Tân Cảng Sài Gòn xác định tập trung đẩy mạnh đầu tư mở rộng, cải cách hành chính, tăng tốc ứng dụng công nghệ số nhằm tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hãng tàu", Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, thông tin.
Đầu tháng 2/2022, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid- 19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Chung niềm vui, Công ty TNHH Máy Thép Việt đã xuất khẩu được 14 tỷ đồng giá trị hàng hóa chỉ trong tháng đầu năm 2022. Lạc quan hơn khi đơn hàng đã ký kín công suất đến hết tháng 7/2022, nên doanh nghiệp kỳ vọng cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 30%, doanh thu khoảng 80 triệu USD.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ bước vào năm mới với tâm thế giữ vững thành quả, nâng tầm để phát triển bền vững. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp gỗ Bình Dương sẵn sàng chuyển đổi số để hướng tới 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Trong ngành đã có nhiều doanh nghiệp có doanh số hàng năm lên đến hàng tỷ USD, hy vọng sẽ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để nâng cao năng lực, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Cũng ký được những hợp đồng xuất khẩu giá trị ngay từ đầu năm với doanh thu xuất khẩu ước đạt 90 tỷ ngay đầu tháng 2/2022, Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 tăng 25% so với năm ngoái.
"Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực đầy đủ cho tất cả các xưởng để có thể xuất được đơn hàng ngay sau Tết. Doanh nghiệp sẽ chủ động ký hợp đồng với tất cả các nhà cung cấp để có thể đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, xuất những đơn hàng mình đã nhập", ông Văn Anh Tuấn, Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex, chia sẻ.
Với sự phục hồi và khởi sắc rõ rệt của nhiều ngành nghề xuất khẩu trong năm mới, nhiều chuyên gia nhận định xuất khẩu sẽ còn có triển vọng tích cực hơn nữa trong năm 2022, khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt khi dịch bệnh được kiểm soát.
"Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những nguyên cớ các nước mở điều tra phòng vệ thương mại. Tập trung cải thiện năng lực pháp lý, nguồn lực tài chính, minh bạch hơn nữa hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động chứng minh sự minh bạch của sản phẩm", các chuyên gia khuyến nghị.