Xu hướng số hóa tài sản được ‘đốt nóng’, doanh nghiệp Việt rốt ráo gia nhập cuộc chơi
(DNTO) - Số hóa tài sản là sân chơi đang chứng kiến sự gia nhập đông đảo của các thương hiệu lớn với mục đích gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Cuộc chơi mang tính xu hướng này khiến nhiều doanh nghiệp Việt “đứng ngồi không yên”.
Khi tài sản số trở thành quà tặng
Theo đài CNBC (Mỹ), hiện thế hệ Y (người sinh từ năm 1980-1995) và thế hệ Z (sinh từ năm 1996-2012) đang dẫn đầu xu hướng chi hàng ngàn USD vào NFT NFT (tài sản ảo hay phiên bản mã hóa của tài sản trong thế giới ảo) hoặc những tài sản số khác để làm quà tặng người thân.
“Quà tặng kỹ thuật số” có thể là các lô đất NFT trong vũ trụ ảo (metaverse), tiền điện tử, ví lưu trữ tiền điện tử hay các NFT từ các dự án… đang được dự đoán sẽ hot không kém với những quà tặng xa xỉ của thế giới thực.
Nhờ công nghệ blockchain mà mọi thứ từ tranh ảnh, ca nhạc, phim, game, vật phẩm được lưu trữ, chứng thực và giao dịch dưới dạng NFT trên các sàn đấu giá online.
Thực tế, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã cho thấy sự nhanh nhạy của mình khi sớm tạo ra các tài sản số.
Đơn cử như RTFKT Inc đã bán được khoảng 600 đôi giày thể thao kỹ thuật số chỉ trong 7 phút, với tổng giá trị là 3,1 triệu USD vào tháng 2/2021. Gucci đã thu về 4.000 USD khi phát hành phiên bản kỹ thuật số của chiếc túi Dionysus trên nền tảng của Roblox. Dolce & Gabbana cũng bán 9 sản phẩm có NFT với giá 5,7 triệu USD. Nhiều hãng thời trang khác như Burberry, Louis Vuitton cũng tiết lộ các kế hoạch tung ra các sản phẩm có NFT.
“Số hóa tài sản là cầu nối giữa môi trường online và môi trường thực, có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực như số hóa cổ phần doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, token hóa bất động sản hay hợp đồng thông minh… Mặc dù về mặt nguyên tắc, công nghệ blockchain cũng không hoàn toàn tối ưu vì cái gì con người tạo ra thì con người cũng có thể can thiệp vào được, nhưng công nghệ blockchain hiện vẫn được xem là công nghệ chủ đạo vì có thể bảo mật, minh bạch thông tin, dễ quản lý tài sản trên môi trường số”, TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Kinh tế số (VIDE) nhận định.
Việt Nam đang ở đâu?
Tháng 4/2021, Thụy Sĩ đã chấp nhận hoạt động của chứng khoán TDX Digital eXchange. Đây được xem là thị trường trao đổi mọi lại tài sản kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới có thể kết nối ngay lập tức với các ngân hàng, tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, đầu tháng 1/2022, Trung tâm Quản lý Tài sản Số (TSS) nhanh chóng được ra mắt. Đây là đơn vị đầu tiên được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân để làm nhiệm vụ thúc đẩy, tổ chức các hoạt động số hóa, quản lý tài sản số trong các hoạt động kinh tế theo định hướng kinh tế số của Chính phủ.
Tài sản số hay tiền mã hóa là những khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Dù chưa có quy định pháp luật cụ thể kiểm soát hoạt động này, nhưng Chính phủ cũng dần cởi mở hơn với các loại tài sản số.
Cụ thể, Quyết định 942 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số (15/6/2021) và Quyết định 1813 về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam (ngày 28/10/2021) của Thủ tướng Chính phủ, được xem là nền tảng thúc đẩy sự phát triển tài sản số tài Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)”.
Theo TS Trần Quý, các quyết định trên của Chính phủ một phần đã giúp doanh nghiệp ‘dễ thở’ hơn trong phát triển tài sản số. Hiện Chính phủ đã giao cho rất nhiều bộ, ngành nghiên cứu việc chấp nhận tài sản số như thế nào và đưa tài sản số vào điều hành nền kinh tế như thế nào, tuy nhiên, doanh nghiệp không nên chờ cho đến khi các định chế pháp luật chính thức ban hành mới bắt tay vào xây dựng tài sản số, mà nên khởi động sớm nhất có thể.
“Những gì không cấm, không vi phạm thì doanh nghiệp có thể thử nghiệm, xu thế đằng nào cũng đi theo hướng đó thì chúng ta cứ đi”, TS Trần Quý nói.
Nhanh chóng ‘bắt trend’
Thực tế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng sở hữu cho mình những tài sản số, ở các dạng khác nhau.
Theo Công ty thanh toán tiền mã hóa Triple A, có khoảng 6 triệu người Việt Nam (tương đương 6% dân số) sở hữu tài sản kỹ thuật số. Việt Nam cũng nằm trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng nắm giữ tiền mã hóa nhiều nhất thế giới.
Những tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Việt Nam như Xèo Chu, Phong Lương và Tú Na cũng đã được NFT và đưa lên sàn đấu giá các tác phẩm điện tử Binance NFT, thu về hàng nghìn USD.
Hồi cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Big Invest Group (BIG), là đơn vị bất động sản đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình số hóa tài sản bất động sản.
Cụ thể, ứng dụng đầu tư BDS Invest do BIG triển khai có thể chia nhỏ dự án bất động sản, giúp các nhà đầu tư tham gia với số vốn chỉ từ 1 USD, bằng cách mua các token (tiền điện tử) và sẽ được trả lãi suất định kỳ hoặc dòng tiền tương ứng nếu dự án đó đang cho thuê.
Khi đạt mức lợi nhuận mong muốn, thông qua app, nhà đầu tư có thể hoán đổi token BDS Invest sang các token khác với thanh khoản ngay lập tức. Khi nắm giữ lượng token tương đương giá trị căn nhà, nhà đầu tư có thể sở hữu ngay sổ hồng nếu muốn.
Hiện nay, BIG đã triển khai mô hình này tại hai dự án bất động sản là Tòa nhà văn phòng kết hợp khách sạn ở TP. Lào Cai (5 tầng, hơn 700m2) và khu nhà phố ở Tây Ninh (9 căn).
“Tài sản số là công cụ, doanh nghiệp, chủ thể có áp dụng nó hay không phụ thuộc vào mục đích của doanh nghiệp và việc cân nhắc rằng khi áp dụng sẽ làm lợi gì cho họ. Ví dụ một miếng đất 10 tỷ đồng, khi số hóa nó, doanh nghiệp cần phải xác định số hóa để quản lý ha để bán, chia thành 10 triệu hay 10 tỷ token, đó là do mục đích của doanh nghiệp.
Nếu chưa thể áp dụng bên ngoài thì doanh nghiệp có thể áp dụng số hóa tài sản bên trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay thay khoản thưởng tiền hàng quý, hàng năm bằng thưởng token, được số hóa từ các tài sản của công ty. Nhân viên có thể dùng token thanh toán đồ ăn, trà, cà phê trong cantin của công ty. Đó cũng là dạng tài sản số áp dụng trong nội bộ”, TS Quý chia sẻ.