Xuất khẩu còn nhiều khó khăn dù 'bình thường mới'
(DNTO) - Dù trong bối cảnh bình thường mới nhưng tình hình xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do logistics.
Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ như trên tại hội thảo "Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức mới đây.
Doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, hiện nay doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ gặp khó khăn như thiếu nhân công, nguyên vật liệu tăng giá…
Cụ thể, gỗ, thép, xăng dầu và nhất là phí vận chuyển tăng rất mạnh, theo đó, dù sản xuất tất bật nhưng lợi nhuận không cao.
"Thể tích hàng gỗ, nội thất rất lớn, cần lượng lớn container, mà hiện giá container rất cao. Mặc dù người mua hàng trả chi phí vận chuyển, nhưng khi phí cao quá, lại thiếu container, thì người ta chưa lấy hàng, khiến tồn kho tăng cao, doanh nghiệp thiếu dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng", ông Phương nói.
Ông Phương cũng chia sẻ, hiện nay tiêu chuẩn mua hàng tại thị trường châu Âu khó hơn trước đây. Trước đây đối tác chỉ đòi hỏi gỗ có nguồn gốc hợp pháp rồi đến các tiêu chuẩn về lao động. Nay họ yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường, tính bền vững…
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, đây là giai đoạn tất bật nhất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm để sản xuất hàng tết và giao đơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang rất thận trọng khi nhận đơn, nhiều đơn vị phải từ chối bớt bạn hàng. Sở dĩ vậy bởi chi phí logistics tăng cao, thời gian vận chuyển cũng kéo dài.
"Nếu trước đây thời gian từ lúc đặt chuyến đến khi hàng hóa qua đến Mỹ là 28 ngày thì hiện nay, thời gian chờ container rỗng có thể kéo đến 2-3 tháng. Hàng chúng tôi có hạn dùng chỉ một năm mà mất đến 3 tháng vận chuyển thì thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều", bà Chi nói.
Cụ thể, bà nêu, trước đây, giá một container đi Mỹ khoảng 2.000 USD trở lại, nhưng hiện nay giá lên đến 15.000 USD/container 40 feet vẫn không đặt được. Giá container đi Nga hiện nay khoảng 9.000-10.000 USD, trong khi trước đây 1.200 USD. Chi phí logistics cao khiến giá thành sản phẩm tăng lên rất cao.
"Để ứng phó trước nguy cơ trễ đơn hàng, hư hỏng hàng hóa, đền hợp đồng… một số công ty trong nước chấp nhận chuyển từ vận tải đường biển sang đường hàng không. Tuy nhiên, hình thức vận chuyển này chi phí cao, không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ", ông Huỳnh Văn Cường nhận định.
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, lo ngại do các doanh nghiệp Việt Nam không đảm bảo được sản xuất nên đã có sự dịch chuyển đơn hàng của đối tác sang vùng lãnh thổ và quốc gia khác. Theo ông, nếu tình trạng này diễn ra nhiều thì các nhà xuất khẩu nước ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng do sự thay đổi chuỗi cung ứng.
Nên hình thành mạng lưới doanh nghiệp logistics lớn
Ông Huỳnh Văn Cường cho rằng nên hình thành mạng lưới doanh nghiệp logistics lớn và có cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường giúp ngành logistics Việt Nam phát triển, đáp ứng cả nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Ông Cường cho biết thêm, các công ty logistics Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản. Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì vấn đề cốt lõi là 65% hàng nhập khẩu và 73% hàng xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp FDI. Hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và đương nhiên miếng bánh còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, theo ông, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Sở Công thương TP.HCM, cho biết, trong giai đoạn 2022-2030, TP.HCM sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vận tải đa phương thức. Cụ thể, TP.HCM sẽ thành lập trung tâm logistics theo hướng đây là trung tâm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu của vùng Đông - Tây Nam bộ.
Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...
Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi. Các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.