Nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào nhưng Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang nhiều nước láng giềng khác

(DNTO) - Ngoài nhập khẩu, Việt Nam cũng đang xuất khẩu điện cho Campuchia. Theo chuyên gia, trong giai đoạn quy hoạch điện, Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu việc xuất khẩu sang nhiều nước láng giềng để tăng khai thác hiệu quả trong thời điểm dư thừa.

Việc nhập khẩu điện nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng năng lượng với mục tiêu tăng trưởng cao thời gian tới. Ảnh: T.L.
Tại dự thảo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương tính toán quy mô hệ thống điện Việt Nam phải đạt 210.000 MW đến 2030 và tăng lên 840.000 MW vào 2050, cao hơn lần lượt 35% và 50% so với Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt.
Bên cạnh các nguồn trong nước (thủy điện, điện khí, năng lượng tái tạo...), điện nhập khẩu là một trong những phương án để đảm bảo nhu cầu sử dụng năng lượng với mục tiêu tăng trưởng cao thời gian tới.
Theo kịch bản của Bộ Công Thương, tỷ trọng điện nhập khẩu có thể chiếm 5% tổng công suất nguồn điện lắp đặt tới năm 2030, cao hơn 1,7% so với quy hoạch hiện hành và 4% tính tới cuối 2024.
Chia sẻ tại Hội thảo liên quan đến Điều chỉnh Quy hoạch điện 8 hôm 17/2, Thạc sĩ Cao Đức Huy, nghiên cứu viên phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Đối với nhập khẩu Trung Quốc, Việt Nam đang mua điện Trung Quốc qua 2 đường dây 220 kV Malungtang - Hà Giang và Maquan - Lào Cai trong mùa khô để đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải. Tổng công suất mua điện hiện tại khoảng 550 MW, điện năng khoảng 2-3 tỷ kWh/năm.
EVN đang nghiên cứu đề xuất mua thêm điện từ Trung Quốc, nếu được chấp thuận, nguồn điện này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Đối với nhập khẩu Lào, hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW nguồn điện từ Lào qua các đường dây 220 kV liên kết. Theo hiệp định giữa hai Chính phủ, tổng công suất nhập khẩu từ Lào dự kiến sẽ tăng lên 5.000-8.000 MW năm 2030.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có khả năng xuất khẩu điện. Việt Nam hiện đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220 kV Châu Đốc -Tà Keo dài 77 km.
Trong giai đoạn quy hoạch, theo ông Cao Đức Huy, Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu việc trao đổi mua - bán và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
“Việc xuất khẩu điện nhằm tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai”, ông Huy phân tích.

Một số nghiên cứu đã được đề xuất xem xét khả năng xuất khẩu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo không nối lưới. Ảnh: T.L
Nhưng để đảm bảo việc xuất nhập khẩu điện ổn định cần tiếp tục phát triển hạ tầng truyền tải. Về định hướng truyền tải liên miền 2036-2050, theo Điều chỉnh Quy hoạch điện 8, tiếp tục phát triển hạ tầng truyền tải từ các trung tâm nguồn Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ về trung tâm phụ tải Bắc Bộ và Đông Nam Bộ. Cân nhắc các phương án phát triển thêm hạ tầng hệ thống truyền tải điện một chiều siêu cao áp (HVDC) 800 kV, hệ thống truyền tải điện cao thế xoay chiều (HVDC) trên 500 kV và phương án cải tạo lưới điện 500 kV lên cấp điện áp cao hơn (tận dụng tuyến cũ).
Tuy nhiên, ông Huy cho biết khối lượng xây dựng lưới truyền tải phụ thuộc nhiều vào kịch bản chương trình phát triển nguồn điện và các chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Khối lượng lưới truyền tải lớn gây áp lực về đầu tư đối với EVN và EVNNPT. Do vậy, cần có những giải pháp, cơ chế để tăng cường năng lực, huy động thêm nguồn lực đầu tư lưới truyền tải.
Một phương án khác được ông Huy chỉ ra là xuất khẩu điện không nối lưới. Hiện nay, một số nghiên cứu đã được đề xuất xem xét khả năng xuất khẩu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo không nối lưới.
“Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép trong tương lai, việc tận dụng 1 số khu vực có tiềm năng tốt để phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu sang các nước láng giềng là hợp lý. Quy mô xuất khẩu điện sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của bên nhập khẩu”, ông Huy cho biết.
Theo Quyết định 500 phê duyệt Quy hoạch điện 8, dự kiến công suất xuất khẩu điện dao động trong khoảng 5.000-10.000 MW, trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.