Ngành Công thương năm 2022: Xuất nhập khẩu lập kỷ lục 732 triệu USD, thương mại điện tử đứng thứ 5 thế giới

(DNTO) - Trong năm 2022, ngành công thương đạt được những dấu ấn đáng chú ý trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, phát triển thị trường trong nước và phát triển các lĩnh vực như điện, dầu khí…Trước thềm năm mới, cùng Doanh Nhân Trẻ điểm lại 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2022.

Ngành Công thương năm 2022 đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Ảnh: T.L.
Sản xuất công nghiệp: Phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao
Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8,5 - 9%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).
Trong đó, chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tăng trên 9% năm nay, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tiếp tục là động lực của toàn ngành. 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với năm ngoái.
Xuất nhập khẩu: Xác lập kỷ lục mới
Dự kiến cả năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD.
Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm trước), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm trước).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
FTA giúp tăng trưởng xuất khẩu lên tới 30%
Xuất khẩu sang thị trường các nước mới có Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới.
Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn. Ngoài ra, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các FTA ngày càng cải thiện.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với hơn 700 tỷ USD, là động lực đưa đất nước phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: T.L.
Thương mại điện tử: Xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng
Năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Hàng nghìn lượt doanh nghiệp địa phương đã đưa hàng hóa lên bán trên thương mại điện tử. Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh thương mại điện tử B2B, B2B2C và trên các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba.
Xúc tiến thương mại: Hàng trăm phiên tư vấn kết nối đối tác cho doanh nghiệp
Sáng kiến tổ chức giao ban mỗi tháng một lần giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan trong nước đã giúp cung cấp thông tin về thị trường cũng như các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương với các Thương vụ đóng là cầu nối và là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.
Phòng vệ thương mại: Đảm bảo việc làm cho gần 150.000 người lao động
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol... Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần đảm bảo việc làm của gần 150.000 người lao động.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc là trợ lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Ảnh: T.L.
Thị trường trong nước: tăng trưởng cao vượt gấp 2,7 lần kế hoạch
Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm được kiểm soát ở mức khoảng 3% (cách xa mức 4% Quốc hội giao).
Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm ngoái (kế hoạch tăng 8%).
Điện lực: cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao
Cùng với các Bộ ngành và đơn vị liên quan, Bộ Công thương thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, điều tiết nước các hồ thủy điện, tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để xử lý nhanh các bất thường, sự cố, không để sự cố kéo dài; tập trung hoàn thành các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các nguồn thủy điện nhỏ;…
Việc cung ứng điện năm 2022 được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp lễ tết và các sự kiện quan trọng của đất nước.
Dầu khí: Luật Dầu khí sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua
Tại Phiên họp ngày 14/11/2022 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí số 12/2022/QH15, gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Luật Dầu khí đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương
Nghị định 96 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương bao gồm 28 đơn vị, trong đó thêm 1 đầu mối. Cụ thể, trong 28 đơn vị, không có Cục Công tác phía Nam, sáp nhập Vụ Tài chính và đối mới doanh nghiệp và Vụ Kế hoạch thành Vụ Kế hoạch – Tài chính, bỏ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời bổ sung Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Trong các đơn vị của Bộ Công Thương, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ được tổ chức 3 phòng.