Một số điểm đáng lưu ý trong Bộ Luật lao động sửa đổi 2019 từ ngày 1/1/2021
(DNTO) - Bộ Luật lao động sửa đổi chính thức được Quốc Hội thông qua vào 20/11/2019 thay thế cho luật 2012 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sắp tới. Trong đó, về phía người lao động sẽ có một số nội dung sửa đổi đáng lưu ý.
1. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tăng theo lộ trình mỗi năm
Bộ Luật lao động mới nêu rõ, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường tiến tới khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, trong điều kiện bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó cứ 1 năm thì độ tuổi nghỉ hưu của nam tăng thêm 3 tháng, nữ tăng thêm 4 tháng.
2. Tăng nghỉ lễ Quốc khánh lên 2 ngày
Kể từ khi dự thảo được phê duyệt, nội dung đáng chú ý khác là kể từ nay, lễ Quốc Khánh sẽ được nghỉ 2 ngày, có thể rơi vào trước hoặc sau ngày 2/9. Quy định mới này nâng tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm từ 10 ngày lên 11 ngày.
3. Quy định riêng đối với lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới
Bộ Luật sửa đổi có những quy định riêng dành cho lao động nữ và đảm bảo quyền bình đẳng giới. Các quan điểm đảm bảo quyền việc làm, quyền lao động của nữ giới được mở rộng và không còn hạn chế như những nội dung cũ.
Cụ thể là mở rộng phạm vi áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động (thay vì lao động nữ và người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ); quy định cụ thể việc thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, việc tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc người đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
4. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động
Theo điều 35 của Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước đúng thời gian quy định. Điều này giúp giảm thiểu những vấn đề bất cập do áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động.
5. Cơ chế bảo vệ cho lao động chưa thành niên
Nhằm để hạn chế tối đa tình trạng bóc lột khi lao động chưa đủ tuổi, Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về cơ chế bảo vệ lao động chưa thành niên.
6. Chính sách đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động
Cụ thể, Bộ Luật lao động sửa đổi đã quy định về nguyên tắc để đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động trong khi thương lượng nhằm hướng tới xây dựng các mối quan hệ lao động hài hòa.
7. Hình thức hợp đồng lao động điện tử
Nhằm bắt kịp xu thế khoa học - công nghệ và để cải cách thủ tục hành chính, điều 14 của Bộ Luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động điện tử. Hợp đồng lao động điện tử có giá trị về mặt pháp lý như hợp đồng văn bản thông thường.
8. Tăng giờ làm thêm theo tháng
Bộ Luật Lao động bổ sung thêm các trường hợp được tăng giờ làm thêm lên 200 - 300 giờ để tăng quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, một ngày không làm thêm quá 50% tổng thời gian làm việc trong ngày, nếu tính theo tuần là không quá 12 giờ/ngày và tính theo tháng thì không quá 40 giờ/tháng.
9. Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong tranh chấp lao động
Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định linh hoạt hơn trong giải quyết các tranh chấp có liên quan đến lao động, có thể tự giải quyết, không ép buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước.
10. Việc thưởng Tết năm không phải là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện
Theo điều 104, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Người sử dụng lao động được trao quyền quyết định quy chế thưởng, nghĩa là được quyền tự nguyện trả thưởng dựa trên kết quả kinh doanh và có quyền không trả thưởng khi doanh nghiệp không có lãi. Do đó, việc thưởng Tết năm 2021 không phải là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện.