Lý do Temu và Shein chưa thể bùng nổ tại Mỹ và kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt
(DNTO) - Theo chuyên gia, người tiêu dùng tại Mỹ rất khó mua hàng chỉ sau 1 ngày mà họ tin vào câu chuyện lâu dài của doanh nghiệp. Đó là lý do Temu và Shein chưa thể bùng nổ tại Mỹ.
Tại hội thảo chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ - Nhiều vấn đề khó lường" hôm 19/12, bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, Cố vấn cao cấp của Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ thuộc Hiệp Hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ AIPLA, chuyên gia thương mại hóa tài sản trí tuệ quốc tế, nhấn mạnh doanh nghiệp Việt đừng đốt tiền cho marketing và truyền thông sản phẩm khi muốn bán hàng ở Mỹ.
Với kinh nghiệm 10 năm làm việc tại Mỹ và làm việc trực tiếp với các "bộ óc" thương mại gốc Israel mà bà mô tả là "tư bản" nhất thế giới, bà Trâm cho biết họ không bao giờ tin vào chuyện sẽ bán được hàng chỉ qua sau 1 ngày, vì đó là chuyện chiến lược lâu dài và câu chuyện cạnh tranh nhiều năm.
Để cụ thể hơn, bà dẫn chứng câu chuyện của 2 sàn thương mại điện tử đình đám từ Trung Quốc là Shein và Temu. Dù bành trướng ở nhiều thị trường nhưng sang Mỹ, một nơi thương mại điện tử chiếm đến 70% ngành bán lẻ, 2 “gã khổng lồ” này qua nhiều nỗ lực vẫn chỉ chiếm lần lượt 2% và 1% thị phần, vẫn lép vế trước “vị lão làng” Amazon.
Liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam, bà Trâm cho biết ở trong nước, doanh nghiệp có thể đứng đầu ngành, sản phẩm của họ được nhiều người biết đến. Nhưng nếu đưa sản phẩm đến với thị trường mênh mông của nước Mỹ, doanh nghiệp Việt vẫn chỉ ở con số 0 hoặc ở nấc thang rất thấp trong nhận diện thương hiệu, nhận diện sản phẩm. Do vậy, nếu chỉ “đốt tiền” thì tiền sẽ “cháy” rất nhanh.
"Không khác gì ném 1 sản phẩm vào cái hồ mênh mông với quy mô 270 triệu người. Thị trường Mỹ có thể dùng thử sản phẩm miễn phí từ bạn nhưng sẵn sàng mua hàng hay không lại là chuyện khác", CEO IPGEEKLAB nói.
Vị chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần có tầm nhìn kinh doanh dài hạn và nhiều kế hoạch ngắn hạn, không phải một kế hoạch duy nhất mà phải có nhiều kế hoạch khác nhau. Đồng thời, doanh nghiệp cần tính toán và dành riêng một quỹ nhỏ cho việc thử nghiệm sản phẩm ở thị trường quốc tế. Quỹ này không nên chỉ dồn cho chương trình tiếp thị quảng cáo mà phải dành cho việc xây dựng thương hiệu.
“Thương hiệu khác với nhãn hiệu nhưng cả hai đều có thể mua bán và là một phần không thể thiếu đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xác lập cho mình tư duy thương hiệu là một khoản đầu tư", bà Trâm khẳng định.
Mỹ nằm trong khu vực Bắc Mỹ (gồm Canada, Mỹ và Mexico). Đối với thị trường Canada, bà Trâm khuyên doanh nghiệp Việt cần ghi trên nhãn sản phẩm bằng song ngữ Anh và Pháp, như vậy sẽ được đánh giá cao hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần cộng thêm chi phí logistics vào giá sản phẩm cho thị trường Canada vì đây là đất nước rộng lớn nhưng các cơ sở logistics cách xa nhau; Canada có đến 6 tháng mùa đông rất lạnh làm tăng chi phí logistics.
“Doanh nghiệp cần có tầm nhìn kinh doanh dài hạn, đồng thời chuẩn bị nhiều kế hoạch ngắn hạn cùng lúc để ứng phó với các biến động ở thị trường Mỹ, từ những khác biệt giữa luật liên bang và các tiểu bang, giữa các tiểu bang với nhau, các biến động của chuỗi cung ứng và logistics trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho thị trường Mỹ”, bà Trâm khuyến nghị.
Ngày 20/1/2025, ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, mở ra thời kỳ Trump 2.0. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự báo sẽ căng thẳng hơn trước.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo nhiều ngành hàng khác cũng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, các ngành hàng tiêu dùng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp sẽ vẫn duy trì nhịp tăng trưởng ổn định tại Mỹ năm 2025.
Tuy nhiên, ông Hưng nhận định Mỹ có khả năng sẽ tăng cường điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng có lượng xuất khẩu lớn sang Mỹ cần lưu ý để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa.