Lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng trong nửa cuối năm 2024

(DNTO) - Giới phân tích nhận định, lãi suất tiền gửi đã chạm đáy và có thể nhích tăng lên trong nửa cuối năm 2024, do các ngân hàng cần mức lãi suất huy động hấp dẫn hơn để thu hút tiền gửi trở lại và nền kinh tế thực dần hồi phục.

Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi đã chạm đáy và có thể nhích tăng lên trong nửa cuối năm 2024. Ảnh minh hoạ
Tính đến ngày 27/4, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tư nhân dao động quanh mốc hơn 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với cuối tháng 3 và giảm 0,33 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm về 4,67%/năm, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cuối tháng 3/2024 và 0,27 điểm so với cuối năm 2023.
Khối Phân tích của VNDirect, cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy nhưng khó có khả năng tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất trong quý tới do nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng mới phục hồi ở tốc độ vừa phải. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bơm ròng gần 238 nghìn tỷ đồng trên kênh OMO trong tháng 4/2024 do nhu cầu tín dụng có xu hướng phục hồi trong hai tháng qua.
Kể từ ngày 22/4, lãi suất trúng thầu trên kênh thế chấp (lãi suất OMO) được công bố ở mức 4,25% cho kỳ hạn 14 ngày, thay vì 4% trước đó cho kỳ hạn 7 ngày. Động thái của NHNN nhằm tránh gây thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đồng thời giúp duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, không tăng quá cao hoặc xuống quá thấp. Điều này nhằm đảm bảo tỷ giá vẫn được hỗ trợ nhưng tránh gây áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay
Trong tháng 4, tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện trong khi tăng trưởng tiền gửi chậm lại. Tăng trưởng tín dụng tín đến ngày 10/4 đạt 1,0%, thấp hơn mức tăng 3,0% của 4 tháng đầu năm 2023. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng đã cải thiện đáng kể so với mức tăng nhẹ 0,26% trong 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế có sự hồi phục. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi có dấu hiệu chậm lại trong tháng 1/2024 do tăng trưởng tiền gửi dân cư giảm so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất huy động giữ ở mức thấp. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vẫn gia tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên đã giảm -2,4% tính từ đầu năm.
Tính đến ngày 4/5, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của 3 nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân lớn và ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ ở mức 4,67%/4,52%/4,68%. Mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục dao động ở mức thấp, từ 4,1%-5,0%. Tuy nhiên, trong tháng 4/2024, một số ngân hàng tư nhân bắt đầu tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn (đối với kỳ hạn 12 tháng: VPB, TPB, HDB và MSB tăng lần lượt 0,3/0,2/0,2/0,2 điểm % lên 4,7%/4,9%/4,9%/4,2%).

Diễn biến lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng tại quầy ở các nhóm ngân hàng quốc doanh và tư nhân (đơn vị: %). Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Websites các ngân hàng
“Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi đã chạm đáy và có thể nhích tăng lên trong nửa cuối năm 2024, do các ngân hàng cần mức lãi suất huy động hấp dẫn hơn để thu hút tiền gửi trở lại và nền kinh tế thực dần hồi phục”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDirect nhận định.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital dự báo, áp lực tỷ giá có thể khiến NHNN nâng lãi suất điều hành thêm 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới. Theo ông Tuấn, bước sang quý 2/2024, các biến động về ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, lãi suất và các động thái của NHNN sẽ là yếu tố cần phải theo dõi. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá mất giá gần 5%, đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý 1/2024.

Lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng tại quầy hiện dao động từ 4,1% đến 5,0% (đơn vị: %). Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Websites các ngân hàng
Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, còn lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” hiện nay và duy trì ở mức “thấp”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Song, chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác. Việc hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô. Do đó, tại thời điểm này, NHNN không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành.
Ông Tú khẳng định tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành. Thời gian qua, NHNN đã áp dụng nhiều giải pháp ổn định tỷ giá như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ...