Lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm?
(DNTO) - Tăng lãi suất điều hành đang tạo nên nhiều sức ép cho nền kinh tế, tuy vậy trong giai đoạn từ nay cuối năm, vẫn khó loại trừ trường hợp lãi suất điều hành tiếp tục tăng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Sau thông tin tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và trước đó nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng thông báo điều chỉnh tăng với lãi suất trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngay lập tức đưa ra con số mới với lãi suất điều hành.
Theo đó, lãi suất điều hành tăng 100 điểm cơ bản, đánh dấu về lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được nâng lên lần lượt là 5% và 3,5%; trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%.
Dẫu biết động thái trên sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên đây là việc "chẳng đặng đừng" trước sức ép mất giá của tiền đồng khi Fed tăng lãi suất, sự đe dọa của lạm phát và nhiều biến số vĩ mô khác, những mục tiêu quan trọng của nền kinh tế.
Từ nay đến cuối năm, các quan chức của Fed đã đưa ra quan điểm có phần “diều hâu” hơn về việc thắt chắt chính sách tiền tệ, khi dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm nay và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023. Trong bối cảnh này, trong nước, áp lực với tỷ giá vẫn là câu chuyện chính và việc lãi suất điều hành có thể đứng im sẽ là điều không dễ.
Trong báo cáo mới nhất, VNDirect cho rằng, "chúng tôi kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ không tăng thêm trong năm 2022 vì mức tăng 100 điểm lần này đã chuẩn bị cho việc Fed tăng lãi suất điều hành thêm 125-150 điểm vào cuối năm 2022". Và theo các chuyên gia dự đoán, thay vì cuối năm nay thì NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong 2 quý đầu của năm 2023 để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tỷ giá.
Ngược lại với ý kiến trên, SSI Research lại chỉ rõ, cuối năm nay, "không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá".
Theo giải thích của SSI Research, chỉ trong vòng một tháng qua, NHNN đã nâng tỷ giá bán đô la Mỹ lên 2 lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng mỗi đô la. Hiện tại cung - cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.
Trong khi đó, "khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF", do đó, đến cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, có thể là nguyên nhân của một đợt tăng lãi suất điều hành mới.
Theo đại diện của NHNN trả lời trong cuộc họp báo gần đây, việc tăng lãi suất điều hành giống như "cuộc chiến tiền tệ" trước sự phá giá của các đồng tiền trên thế giới. Thực tế, từ nay đến cuối năm, vĩ mô thế giới sẽ còn tiềm ẩn nhiều biến động. "Cuộc chiến tiền tệ" có lẽ sẽ còn tiếp diễn khi mà rất khó tìm được một lý do chính đáng để neo giữ sự bình ổn.
Tăng lãi suất, doanh nghiệp gặp khó
Nhìn lại đợt tăng lãi suất điều hành vừa qua, dù muốn hay không, vẫn đang châm ngòi cho một cuộc đua lãi suất huy động giữa các nhà băng. Tuần qua, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30-100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn.
Khả năng các nhà ngân hàng sẽ phải giảm NIM trong năm nay và điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, gánh nặng của ngân hàng lại được san sẻ cho doanh nghiệp và chính doanh nghiệp mới là đối tượng gánh chịu "thiệt đơn thiệt kép" nhiều nhất. Một mặt, lãi suất tăng khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí vốn, là đội chi phí đầu vào sản phẩm, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh ảnh hưởng khi khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Mặt khác, các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá bán hàng hóa và điều này lại ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng người dân, từ đó gây khó khăn cho họ trong việc mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, giảm nhu cầu tuyển dụng lao động...
Lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ không được như kỳ vọng và chắc chắn mức định giá cổ phiếu doanh nghiệp bị giảm.
Tuy nhiên theo Tien Phong Securities (TPS), có thể khó khăn này chỉ là trước mắt, bởi tăng lãi suất, ổn định lạm phát và các biến số vĩ mô lại được xem là mục tiêu quan trọng qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho chính các doanh nghiệp. Đó cũng là tiền đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường tài chính trong dài hạn, TPS nhận định.