Ngân hàng Nhà nước ưu tiên kiểm soát lạm phát
(DNTO) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp tiền tệ một cách linh hoạt để đạt được những mục tiêu đề ra.
Ngày 22/9, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm. Chỉ số USD cũng tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây. Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất theo.
Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang có xu hướng tăng trên toàn cầu, ông Đinh Quang Hinh, Chuyên viên phân tích của VNDirect nhận định, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, chưa vội thắt chặt ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường.
Ông Hinh phân tích: Khả năng NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao. Bởi theo đại diện NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của thời gian 8 tháng đầu năm 2021.
Ngày 7/9, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Cụ thể, khoảng 18 ngân hàng đã được cấp thêm hạn ngạch tăng trưởng tín dụng trong lần điều chỉnh này (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) với mức tăng nằm trong phạm vi 0,7-4,0%.
"Chúng tôi ước tính rằng, khoảng 279.000 tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tháng tới, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%. Theo ước tính của chúng tôi, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm – tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN (lưu ý rằng 20% thị phần tín dụng còn lại không được phản ánh trong tính toán của chúng tôi). Chúng tôi cho rằng, NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi của nền kinh tế. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao", ông Hinh phân tích.
Liên quan đến câu chuyện sử dụng các biện pháp tiền tệ cùng chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô sao cho linh hoạt để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tại cuộc họp báo quý III/2022 thông tin kết quả hoạt động quý vừa qua và một số định hướng điều hành từ này đến cuối năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN nhấn mạnh: Ưu tiên số 1 là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp tiền tệ một cách linh hoạt để đạt được những mục tiêu đề ra.
Về tín dụng, lãnh đạo NHNN cho hay: Tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng vẫn có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. NHHN sẽ tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng như bất động sản, chứng khoán. NHNN một mặt sẽ tạo điều kiện nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát việc kinh doanh, mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo đúng quy định nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống.
Theo thống kê của NHNN, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm..
Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới thắt chặt và áp lực lạm phát cao, mức 14% là hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế. Đây là biện pháp hành chính nhưng giải pháp này vẫn thể hiện hiệu quả trong ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát.
Ngày 22/9 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ra quyết định tăng mạnh các lãi suất điều hành thêm 1%. Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản lên 5%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 100 điểm từ mức 2,5% lên 3,5%/năm kể từ 23/9/2022 (lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được duy trì ổn định ở mức 4% và 2,5% kể từ 1/10/2020).
NHNN nâng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài lên mức 6,0%/năm.
NHNN cũng quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức tối đa 0,5% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tối đa 5% áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; tối đa 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô…
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 22/9, để ứng phó kịp thời với tình hình biến động tiền tệ quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, có thể tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay...