Lãi suất cho vay sẽ giảm đáng kể trong những tháng cuối năm 2023

(DNTO) - Chuyên gia dự báo lãi suất cho vay có thể giảm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ việc NHNN cắt giảm lãi suất trong 6 tháng năm 2023, và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.
Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng ngân hàng thương mại giảm xuống 5,9%/năm vào tháng 8, giảm hơn 0,5 điểm % trong cuối tháng 7 và 2,0 điểm % so với cuối năm 2022. Lãi suất huy động chạm đáy do dư thừa thanh khoản hệ thống trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

Lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8/2023 (đơn vị: %). Nguồn: NHTM, VNDIRECT RESEARCH
Tính đến ngày 29/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 5,33% so với đầu năm, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêmtiền vào nền kinh tế.
Các chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn trong năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất trong 6 tháng năm 2023, và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2023 và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân", ông Đinh Quang Hinh, Chuyên viên phân tích của VNDirect nhận định.

Hầu hết các ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6,5%/năm. Nguồn: NHTM, VNDIRECT RESEARCH
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8/2023 của Việt Nam tăng 2,96% so với cùng kỳ (tăng mạnh so với mức tăng 2,06% so với cùng kỳ của tháng 7/2023).
So với tháng trước, CPI tháng 8 tăng 0,88%, đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022. Giá xăng dầu tăng mạnh đã đẩy CPI nhóm vận tải tăng 3,85% so với tháng trước, làm tăng áp lực lên lạm phát chung. Trong khi đó, chỉ số CPI lõi tháng 8 tăng 4,57% so với cùng kỳ, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,65% so với cùng kỳ của tháng 7.
Khối phân tích của VNDirect nhận thấy một số yếu tố có thể gây thêm áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm, do chênh lệch giá xăng giữa nửa cuối năm 2023 và cùng kỳ 2022 sẽ nhỏ hơn nhiều so với chênh lệch giá trong nửa đầu năm; và Chính phủ tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức nhà nước từ ngày 1/7/2023 có thể làm gia tăng áp lực lạm phát.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát do tổng cầu trong nước còn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp. Chúng tôi giữ nguyên dự phóng lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2023 ở mức 3,3% (+/-0,2 điểm %), qua đó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trongnăm nay của Chính phủ", ông Đinh Quang Hinh nhận định.

Lạm phát Việt Nam tăng cao hơn trong tháng 8. Nguồn: TCTK, VNDIRECT RESEARCH
Trong Báo cáo vĩ mô tháng 9 vừa được công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố, cho thấy tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn và đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN.
Trong tháng 8, lãi suất huy động đã có một nhịp giảm mạnh. Theo đó, nhóm quốc doanh giảm 30-50 điểm, các ngân hàng tư nhân giảm 50-100 điểm. Hiện tại, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022. Đồng thời, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.
Cũng trong tháng 8/2023, NHNN có yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, từ 1,5-2%.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm khoảng từ 1,5% đến 2%.
Nói thêm về tác động của Thông tư 10 của NHNN lên thị trường lãi suất, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc giảm lãi suất làm cho nhu cầu về vốn sẽ tăng, người vay sẽ nhiều hơn, dẫn đến việc có thể tăng lãi suất ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, dưới sự chỉ đạo, điều hành của NHNN, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại, điều đó sẽ không thể gây ra tác động làm tăng lãi suất trong thời gian tới.