Chuyên gia: 'Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 12-15% là chuyện bình thường
(DNTO) - Theo chuyên gia, với doanh nghiệp bất động sản, khi huy động trái phiếu lãi suất 15% nhưng dự án họ kiếm lợi nhuận 30% thì lãi suất đó không cao, thậm chí huy động 20% là chuyện bình thường.
Tại Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ngày 21/9, đại diện FiinRatings cho biết tổng giá trị phát hành trái phiếu 8 tháng đầu năm nay 140.000 tỉ đồng. Phát hành riêng lẻ chiếm phần lớn với 90%, còn lại ra công chúng. Quy mô phát hành trái phiếu tiếp tục ảm đạm, điều này tương đối dễ giải thích trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khẩu vị rủi ro nhà đầu tư thay đổi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp hơn.
Đáng chú ý, dữ liệu của FiinRatings cho thấy lãi suất bình quân huy động trên thị trường TPDN trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh (khoảng 3%) so với cùng kỳ. Các tổ chức phát hành buộc phải nâng lãi suất để tăng khả năng thành công khi phát hành.
Ghi nhận thực tế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng hạ nhiệt, thị trường ghi nhận nhiều lô TPDN chào lãi suất tới 12-15%. Nhiều băn khoăn khi lãi suất cao chủ yếu ở nhóm bất động sản, trong khi nhóm ngân hàng huy động trái phiếu với lãi 5-7%. Liệu có bất thường?
Trả lời câu hỏi này, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI (PVIAM) nhắc đến triết lý high risk - high return (rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao) trong đầu tư. Theo chuyên gia này, lãi suất tại một thời điểm không phản ánh quá nhiều tổng thể sức khỏe của doanh nghiệp hay thị trường. Lãi suất trái phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm rủi ro và sức khỏe tài chính tổ chức phát hành, ngành nghề, tính thanh khoản, tài sản đảm bảo...
“Chẳng hạn có những doanh nghiệp bất động sản họ phát hành trái phiếu với lãi suất 14-15%/năm, thậm chí 20%/năm nhưng lợi nhuận đạt được lên đến 30-40% thì thực sự lãi suất huy động đó là bình thường”, đại diện PVIAM nói.
Bà Trịnh Quỳnh Giao cũng dẫn trường hợp của một số ngân hàng khi phát hành trái phiếu với lãi suất 5-7% và cho rằng các nhà băng chịu nhiều đánh giá, quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước nên khả năng mất vốn đầu tư vào trái phiếu ngân hàng thấp, rủi ro thấp. Do đó, lãi suất 5-7%/năm là điều dễ hiểu. "Thị trường thông minh và dòng tiền cũng thông minh, có định giá và logic của nó", bà Giao khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng Giám đốc FiinRatings, nhìn nhận với thị trường trái phiếu không thể yêu cầu tất cả trái phiếu, khoản tín dụng đều có lãi suất dưới 9% hay 10%/năm như chỉ đạo. Ông cho rằng nhà đầu tư đưa ra lãi suất dựa trên mức độ rủi ro, rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp.
Ông Thuân dẫn số liệu, cho biết trong quý I năm nay, trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất bình quân ở mức 9%/năm, nhưng có lô lãi suất lên đến 14-15%/năm. Đây là thực tế thị trường và không nên đánh đồng rằng lãi suất cao là tốt hay không tốt. Lấy ví dụ bình quân chi phí vốn một dự án bất động sản dân cư chiếm 5-7% tổng chi phí đầu tư, lợi nhuận gộp bình quân ngành 35-40%...
“Trong kinh doanh, ai cũng muốn lãi suất rẻ. Tuy nhiên một số ngành, một số dự án, một số doanh nghiệp không nhất thiết phải có lãi suất rẻ, họ vẫn chấp nhận đầu tư và có lãi”, Chủ tịch FiinGroup nêu quan điểm.
Khó bứt phá về khối lượng phát hành trong 1 năm tới
Chia sẻ ở góc độ của một quỹ đầu tư, bà Trịnh Quỳnh Giao cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay gần như không thể đầu tư vì thị trường chung có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, tháng 8, các tổ chức phát hành đã có kế hoạch huy động vốn trở lại. Điều này cho thấy thị trường bắt đầu có sự hồi phục.
“Thực tế, nhu cầu luôn có, ở cả bên phát hành và bên đầu tư. Hiện nay quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP, trong khi một số nước lân cận thị trường trái phiếu chiếm 30% GDP. Do đó, tôi tin rằng chúng ta đã qua giai đoạn khủng hoảng và có những bước hồi phục dần dần”, bà Giao cho hay.
Nói về triển vọng của thị trường trái phiếu, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc phân tích FiinRatings nhận định, thị trường đang phục hồi chậm và khó có khả năng bứt phá về khối lượng giao dịch trong 12 tháng tới.
“Thị trường đã qua giai đoạn bùng nổ 2018-2021 rồi. Hiện tại thị trường sẽ tập trung vào phát triển chiều sâu, đi vào giai đoạn phát triển bền vững. Việc phát triển về chiều sâu cũng rất quan trọng, cũng là giai đoạn tốt để thị trường nhìn lại, khắc phục những vấn đề của giai đoạn trước” ông Khang cho hay.
Phải nhìn nhận rằng, số lượng 140.000 tỷ đồng phát hành trong 8 tháng đầu năm 2023 chủ yếu do các tổ chức và ngân hàng mua. Ngân hàng đang thừa vốn, trong khi doanh nghiệp đối mặt với áp lực trả nợ cao, do đó ngân hàng và các tổ chức sẽ thay thế trái chủ cũ mua vào.
"Nghị định 08 cho phép giãn, hoãn các lô trái phiếu đến hạn, sẽ có đơn vị giãn, hoãn được nhưng có bên không đàm phán được thì một số tổ chức khác, ngân hàng sẽ vào mua lại”, ông Khang chia sẻ.
“Vậy hoạt động này có lành mạnh không? Theo tôi là lành mạnh. Thị trường trái phiếu có thanh khoản, có tái cấu trúc, có đảo nợ từ tay này sang tay người khác là hoạt động bình thường. Còn việc phát hành liệu có bền vững hay không? Tôi nghĩ là chưa thể bền vững, cần thời gian và cần rất nhiều giải pháp không chỉ phía cung mà còn phải khơi thông cơ sở cho nhà đầu tư”, vị chuyên gia nhấn mạnh.