Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm: Hơn 15 năm với những sáng chế ấn tượng cho nghề nông
(DNTO) - Với môi trường gắn bó với nghề nông, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm (còn gọi là Ba Liêm, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), đã có hơn 19 sáng chế ấn tượng để hỗ trợ thiết thực cho người nông dân bớt phải dùng sức thủ công, nâng cao năng suất lao động.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống nông nghiệp và thấm thía những khổ cực người nông dân gặp phải, nên kỹ sư Hoàng Thanh Liêm đã liên tục cho ra đời những sản phẩm hỗ trợ quá trình làm nông. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, lần đầu tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật vào năm 1990, ông Liêm đã gây ấn tượng với sản phẩm đầu tay: Lò sấy lúa lưới rằn. Thành công với lần chạm ngõ đầu tiên, ông tiếp tục phát triển thêm nhiều “sáng tạo” khác: Dụng cụ tra hạt; Máy vét bùn đa năng; Máy xúc lúa; Máy hút phân gà…
Kể về sáng tạo đầu tiên của mình, ông Liêm cho biết: "Vào khoảng năm 1990, tôi đi trên đường thấy nông dân hay phơi lúa, nhiều khi gặp mưa, lúa hư hao. Khi về, tôi liền mày mò thiết kế ra lò sấy lúa lưới rằn. Với sáng chế này, tôi đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang (cũ). Nhưng tiếc là sau đó, không có kinh phí thực hiện để ứng dụng rộng rãi".
Ông Hoàng Thanh Liêm cũng chia sẻ thêm về quá trình đưa những sáng chế “từ giấy ra đời thực”: “Đầu tiên đưa ra thị trường ở dạng thăm dò, để mình tìm hiểu bà con sau khi sử dụng thì phản hồi lại như thế nào. Sau đó mình sửa chữa lại, để tạo ra sản phẩm hoàn thiện hơn”.
"Nền nông nghiệp Việt Nam còn thủ công nên nông dân vất vả. Vì vậy, tôi nghĩ phải "nhảy" vào lĩnh vực này bằng việc sáng chế ra những máy móc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Một mặt nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mặt khác góp phần cơ giới hoá, hiện đại hóa nông nghiệp như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước", ông Liêm nói về lý do vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.
Với phương châm tất cả vì bà con nông dân, nên mặc dù đôi khi “mất trắng” trong quá trình tạo ra sản phẩm, ông vẫn không màng khó khăn mà cố gắng hoàn thành để hỗ trợ bà con. Không chỉ thế, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ còn khá “nan giải”, dẫn đến việc chi phí bỏ ra không nhỏ cho mỗi sản phẩm hình thành.
Bên cạnh Lò sấy lúa rằn, ông Liêm đã có 19 sáng chế đã được ứng dụng như: Dụng cụ chày trỉa hạt; máy xúc lúa và nông sản vào bao; thiết bị diệt ốc bươu vàng dùng sóng siêu âm di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa; thiết bị cảm biến phát ánh sáng lạnh diệt bướm, sâu rầy di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa; thiết bị cảm biến phát siêu âm, báo mật độ rầy trên lúa, độ ẩm...
Một số máy của ông sáng chế như máy xúc lúa vào bao được nhiều nông dân tìm mua vì những hỗ trợ hiệu quả. Chiếc máy này dùng cho quá trình sau thu hoạch lúa, nông sản nên rất được nhiều chủ cơ sở lò sấy hoặc cơ sở phơi lúa gia công tìm mua. Trong vòng 1 giờ, máy có thể xúc từ 8-10 tấn lúa, trong khi phải 2 người làm trong một buổi mới được công suất như thế", ông Liêm cho biết.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Ba Liêm còn sáng chế ra những dụng cụ thiết thực đối với nhà nông như: Máy vét bùn dùng cho nông hộ; máy cấy tràm; máy diệt bướm và diệt sâu rầy không dùng hóa chất…
Khi được hỏi về những sản phẩm tiếp theo sẽ được ra mắt trong tương lai gần, ông Liêm bật mí về thiết bị phun xịt thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa, đang trong quá trình sửa chữa và hoàn thiện để có thể đưa ra thị trường, giúp đỡ cho nghề nông.
Với những thiết bị, máy móc gắn liền với nhà nông nên ông Liêm là gương mặt quen thuộc ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ và toàn quốc. Trong đó, có nhiều sáng chế giúp ông đoạt giải cao và nhận bằng khen.