Ông chủ trầm hương với tâm huyết làm trầm sạch
(DNTO) - Với mô hình trồng cây dó bầu tạo trầm hương với hàng trăm héc-ta tại vùng đất cao nguyên xanh Lâm Đồng, ông Hoàng Duy Thành (Công ty cổ phần Dó Bầu Hương Quảng Nam, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) mong ước giữ gìn nét đẹp xanh cho Việt Nam.
Từng trải qua khoảng thời gian gắn bó với quân đội, ông Hoàng Duy Thành luôn nuôi dưỡng khát vọng được cống hiến cho đất nước. Ông chủ trầm hương đã chọn mảnh đất Lâm Đồng để khởi nghiệp mô hình trồng cây dó bầu độc đáo và quý giá nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, giữ gìn nét đẹp xanh cho Việt Nam.
Lớn lên ở xứ trầm hương Quảng Nam, lại có niềm đam mê với cây trầm dó, ông Thành từng học được nhiều cách cấy trầm hương trên cây dó bầu. Xuất phát điểm với sự “liều mình”, ông Thành đã trồng hàng trăm héc-ta cây dó bầu sau nhiều ngày tháng miệt mài tìm hiểu phương pháp trồng cũng như điều kiện thời tiết.
“Đúng là tôi cũng liều lĩnh thật, chưa có kinh nghiệm gì, trồng vào mùa khô nữa nên trồng xong là gần như cây chết gần hết - ông Thành kể - Nhận thấy nhiều khó khăn khi phát triển loại cây này, những người xung quanh đều khuyên tôi từ bỏ nhưng vì đam mê, tôi đã cố gắng nghiên cứu và đạt được thành công như hiện tại".
Cách đây hơn 10 năm, ông Hoàng Duy Thành được một người bạn rủ lên Đam Rông nhận khoán rừng. Ngay khi đặt chân đến vùng thung lũng đèo Chuối, ông đã nhận ra những điều kiện thiên nhiên vô cùng ưu ái cho cây dó bầu. Vậy là ông quyết định trồng loại cây tiền tỷ này. Sau nhiều năm phát triển, đến nay công ty của ông Thành đã trồng được 167ha cây dó bầu, tất cả đều đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Trồng trầm thành công đã là chuyện khó, nhưng sau khi làm được, ông Thành vẫn chưa thỏa mãn với kết quả cuối cùng. Ông luôn mong muốn mang đến những sản phẩm trầm sạch cho người dùng. “Hồi ấy, họ dạy tôi tạo trầm bằng cách lột trần phần vỏ của cây, lộ phần thân gỗ trắng rồi bôi chất hóa học lên để cây tiết nhựa, tạo trầm. Tôi thấy như vậy dã man quá, trầm tạo ra cũng không được sạch. Do vậy, tôi đã bỏ lại nhiều vườn dó bầu, chịu mất cả vốn lẫn công”.
Nói về hành trình phát triển thương hiệu Dó bầu Hương Quảng Nam, ông Thành tâm sự: “Trồng hàng trăm héc-ta cây rồi, không sợ phí cây nữa, mình thử nghiệm từng cành cây này đến cành cây kia, nhiều phương pháp. Mày mò mãi đến năm 2020, tương đối ra được loại trầm tốt. Trước mắt là xây xưởng sản xuất nhang trầm và trà dây Tây Nguyên để gọi vốn đầu tư”.
Trong thời gian chờ cây dó bầu đạt kích thước chuẩn để khai thác trầm hương, ông Thành đã thu hoạch lá non về chế biến thành loại trà uống với thành phần và hoạt tính chống oxy hóa rất cao. Năm 2017, ông cho ra mắt thương hiệu “Trà trầm Lĩnh Nam”, xây dựng kênh bán lẻ tại TP.HCM và Cần Thơ.
Là một người còn non trẻ trong kinh nghiệm trồng cây từ khi bắt đầu, vấp ngã nhiều vô kể nhưng điều đó không làm ông Thành nản chí mà sẵn sàng đi đến cùng. Ngoài mô hình cây dó bầu, ông Thành còn có tham vọng sẽ xây dựng khu sinh thái để phát triển du lịch xanh, cùng với việc xây dựng nhà máy khép kín để sản xuất các sản phẩm từ việc khai thác trồng rừng, khai thác triệt để các giá trị hữu hình từ việc phủ xanh các vùng đồi núi.