Khát vọng nâng tầm giá trị sản phẩm Việt của hai cô thôn nữ Long An
(DNTO) - Đưa Sâm bố chính, một sản vật quý về trồng trên vùng đất phèn huyện Đức Huệ - Long An, hai cô gái trẻ Phan Thị Ngọc Bích và Nguyễn Phương Hoàng Cương, đã vượt qua nhiều khó khăn gặt hái thành công, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.
Là đôi bạn thân cùng sinh sống tại Long An, từ tình bạn đơn thuần, Phan Thị Ngọc Bích và Nguyễn Phương Hoàng Cương đã cùng gắn kết hợp tác kinh doanh với mô hình Sâm bố chính, đem về lợi nhuận cao mỗi năm.
Thời gian đầu khởi nghiệp trải qua nhiều thất bại, hai cô gái trẻ không nản chí mà vẫn quyết tâm theo đuổi. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm và tìm tòi học hỏi, đến năm 2019, mô hình sâm của Hoàng Cương và Ngọc Bích đã thành công.
Xuất phát điểm từ con số 0, nhưng với niềm mong muốn được cống hiến cho vùng đất mình được sinh ra luôn “sôi sục” nơi mỗi người: “Từ nhỏ tụi em đã chứng kiến công việc làm nông, nên khi trưởng thành em muốn nghiên cứu một loại dược liệu góp phần phát triển kinh tế. Và muốn người Việt Nam được sử dụng những sản phẩm tốt của người Việt”.
Khát vọng được nâng tầm giá trị Việt luôn thôi thúc hai cô nông dân, do vậy mặc dù đi đến vùng đất khác, họ vẫn muốn quay về quê hương để phát triển mô hình sâm độc đáo.
Để đạt được thành công như hiện tại, đôi bạn thân đã trải qua hành trình vô cùng gian nan. Hoàng Cương chia sẻ: “Tụi em cũng đã thất bại suốt mấy năm liền, không phải trồng một lần là thành công liền. Có những lúc mệt mỏi muốn dừng lại...”.
Năm 2018, khi bắt đầu trồng Sâm bố chính thì họ tiếp tục gặp khó khăn. Những cánh đồng Sâm bố chính của hai thôn nữ sâm chết khá nhiều, hoặc không có củ. "Trồng Sâm bố chính phải theo đúng quy trình, kỹ thuật mới đạt chất lượng, năng suất cao nhất. Trồng Sâm bố chính phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo, giữ độ ẩm cho cây. Bón thúc phân cho sâm sau những đợt làm cỏ…", chị Ngọc Bích chia sẻ.
Sau một năm trồng Sâm bố chính, nông dân có thể thu hoạch củ. Theo chị Phan Thị Ngọc Bích, nếu chăm sóc tốt, năng suất của sâm đạt 5 – 10 tấn/ha.
Theo chị Ngọc Bích, đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến việc trồng Sâm bố chính và tiêu thụ loại sâm này. Từ diện tích 5 ha trồng Sâm bố chính, hiện chị Ngọc Bích đã giảm xuống còn hơn 1 ha. Cho đến hiện tại, Công ty TNHH Hoàng Ngọc Global cho ra nhiều sản phẩm từ Sâm bố chính, như: Rượu sâm, trà hoa sâm, sâm ngâm mật ong, sâm tươi, sâm sấy khô... Trồng Sâm bố chính, ngoài lấy củ làm dược liệu, còn thu hoa, lá, thân để làm trà...
Chị Bích Ngọc thổ lộ, giá Sâm bố chính tươi, công ty đang bán với giá 390.000 – 890.000 đồng/kg, tùy theo cỡ củ sâm lớn hay nhỏ.
Ngoài khai thác giá trị kinh tế của cây sâm, chị Ngọc Bích còn hợp tác phát triển chương trình tour du lịch tại vườn Sâm bố chính. Những cánh đồng Sâm bố chính khi nở hoa đỏ rực ở huyện biên giới này đã trở thành điểm check in quen thuộc của nhiều du khách trong ngoài tỉnh Long An. Hai cô gái trẻ cũng cho biết, công ty đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng sâm lên hàng chục héc ta để đáp ứng nhu cầu của thị trường.