Sầu riêng Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc: Tin vui và thách thức cho doanh nghiệp, nông dân
(DNTO) - Hôm qua (11/7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, đây là một thông tin vui cho doanh nghiệp, người nông dân của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, và để việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thành công, cần sự chung tay hỗ trợ của nhiều ban ngành.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho hay, Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc là một tin vui mà doanh nghiệp chờ đợi đã hơn 3 năm.
Theo bà Tường Vy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Chánh Thu. Mỗi năm Chánh Thu xuất khẩu sang thị trường này từ 8.000 tới 12.000 tấn sầu riêng. Tuy nhiên, hình thức xuất khẩu đó là tạm nhập, tái xuất, đơn vị phải mất chi phí, mua quota của thị trường Thái Lan. Vì vậy, việc được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ là một thuận lợi lớn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, vui mừng nhưng cũng kèm theo lo lắng.
“Quan trọng nhất là chúng ta đã và sẽ chuẩn bị gì để bước vào thị trường Trung Quốc. Sự chuẩn bị đó phải đến từ nông dân, doanh nghiệp và quan trọng nữa là sự quản lý của các cơ quan chức năng. Thị trường Trung Quốc hiện nay đã thay đổi rất nhiều, chúng ta đừng nghĩ họ là thị trường dễ tính như trước, đừng nghĩ họ mở cửa là cứ thế đưa sản phẩm vô. Có thể nói, thị trường Trung Quốc hiện nay còn khó tính hơn cả thị trường Mỹ”, bà Tường Vy nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group cho biết, Trung Quốc cấp “visa” cho trái sầu riêng Việt Nam là một tin vui, khả quan cho người trồng, cho doanh nghiệp.
Theo ông Đình Tùng, thị trường Trung Quốc tiêu thụ sản lượng rất lớn trái sầu riêng. Trước nay, với sầu riêng, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch hoặc tạm nhập tái xuất qua một số nước. Thông qua đường tiểu ngạch, với 1 container sầu riêng, chi phí đội thêm khoảng 700-800 triệu. Nếu được xuất khẩu chính ngạch, chi phí này sẽ giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Đình Tùng cũng cho rằng, thị trường đã mở ra, nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với Việt Nam. Bởi họ mở cửa nhưng có sự kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm xuất sang, họ mở đó nhưng cũng có thể đóng ngay đó. Theo đó, nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để làm sao xây dựng được vùng trồng chất lượng, đảm bảo quy chuẩn.
“Thực tế, nếu người trồng, doanh nghiệp mình làm trung thực cũng không quá khó để sản phẩm đạt chất lượng xuất sang thị trường này. Việt Nam đã có nền tảng là xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc.. Theo đó, chúng ta cần có sự kết hợp chặt chẽ, nghiêm túc của nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, đặc biệt cần có sự quy hoạch, quản lý của cơ quan quản lý. Diện tích trồng sầu riêng của chúng ta ngày càng rộng, cần phải kiểm soát chặt chẽ để giữ uy tín, từ đó xuất khẩu ngày càng nhiều”, ông Đình Tùng nói thêm.
Ông Tùng cũng cho biết, từ năm 2016, Vina T&T group đã xuất khẩu sầu riêng đi Mỹ. Hiện nay, mỗi năm đơn vị xuất khẩu khoảng 1.500 tấn sầu riêng sang thị trường Mỹ, Úc, Canada..., trong đó riêng thị trường Mỹ là 1.000 tấn/năm. Sầu riêng xuất khẩu là sầu riêng cấp đông nguyên trái hoặc bóc cơm cấp đông.
Hôm qua, 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Quả sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, phía hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm dịch.
Tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng, cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Những lô hàng sầu riêng từ các vườn trồng, cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.
Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 1/7, kéo dài trong 3 năm.
Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến cuối năm 2021, sản lượng sầu riêng trên cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật khởi động từ năm 2018.