'Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng chậm lại 5,5-6%, lạm phát cao hơn năm trước 4,5%'
(DNTO) - Nhóm nghiên cứu của BIDV và ADB dự báo, năm 2023, kinh tế Việt Nam trưởng chậm lại (5,5-6%), lạm phát có thể cao hơn năm trước (4,5%). Đáng chú ý, rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ - vốn và bất động sản đang rõ nét hơn, hệ thống tài chính tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng.
Ngày 20/4, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023”. Sự kiện đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ADB và BIDV đồng tổ chức hội thảo công bố báo cáo có chất lượng và chuyên sâu.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu chỉ ra, năm 2022, Việt Nam đã có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng 8% - cao nhất trong 20 năm qua. Mức tăng trưởng ấn tượng này có được là nhờ sự phục hồi tương đối đồng đều của các cực tăng trưởng, từ thương mại, đầu tư… đến tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, sang năm 2023, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại với giá cả, lạm phát đã dịu đi, tỷ giá ổn định hơn và lãi suất chững lại, nhưng còn ở mức cao, thị trường tài chính, ngân hàng có nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là sau sự cố sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, dù đã được khoanh vùng xử lý.
Nhu cầu toàn cầu giảm đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất chế biến chế tạo đã giảm xuống dưới 50 trong 4 tháng liên tiếp do lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu giảm trong khi lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng tiêu dùng không có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm này; chỉ số này sau đó đã hồi phục lên 51,2 vào tháng 2/2023. Công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP...
"Do vậy, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,5-6%, với lạm phát có thể sẽ cao hơn năm 2022 là 4-4,5%. Đáng chú ý, rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ - vốn và bất động sản đang rõ nét hơn. Chất lượng tài sản của hệ thống tài chính đang tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng", báo cáo nêu rõ.
Để ổn định và phát triển thị trường tài chính, ông Lực và nhóm phân tích kiến nghị Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân chương trình phục hồi 2022 - 2023, chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công. Tiếp tục một số chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng. Các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém cũng cần thực hiện đồng bộ.
Ngoài ra, ông Lực nhấn mạnh việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng nhu cầu cung ứng và phân bổ vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn vốn. “Tăng năng lực quản trị, tài chính, chuyển đổi số, quản lý rủi ro, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, nhất là rủi ro liên thông giữa tài chính và bất động sản”, ông Lực khuyến nghị.
Đặc biệt, các điều chỉnh chính sách như việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về phát triển thị trường bất động sản, Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Đề án phát triển nhà ở xã hội… được kỳ vọng ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng cần theo dõi sát sao và phản ứng chính sách kịp thời vì rủi ro tài chính-ngân hàng toàn cầu gia tăng cũng như những tồn tại trên thị trường tài chính, bất động sản cần thời gian để khắc phục.
Cùng với đó, hành vi người dùng đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19 với việc ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hơn, quản lý đầu tư và chi tiêu chặt chẽ hơn. Các nhà quản lý cần có chính sách thúc đẩy hành vi không dùng tiền mặt của người tiêu dùng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (kể cả cơ chế Sandbox) để phát triển tài chính số và Fintech.