Cần bước đi đột phá để 'kinh tế xanh' Việt Nam cán mốc 300 tỷ USD vào 2050
(DNTO) - Để nâng quy mô kinh tế xanh lên 300 tỷ USD vào năm 2050, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”, ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”.
Với mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
“Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như đặt ra tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Trong đó, sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực theo hướng đa dạng hóa; nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất xanh, khuyến khích bảo vệ môi trường, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu cũng như sẵn sàng chuyển đổi xanh...
Góp ý để hiện thực hoá cơ hội cho Việt Nam, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, đưa ra 4 kiến nghị. Cụ thể, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái Hydro sạch.