Khủng hoảng năng lượng toàn cầu bao giờ kết thúc?
(DNTO) - Ngành năng lượng toàn cầu đang lâm vào tình trạng khó khăn, khi một số tỉnh ở Trung Quốc phải hạn chế sử dụng điện, người dân châu Âu phải trả giá cao cho khí tự nhiên hóa lỏng, các nhà máy điện ở Ấn Độ sắp cạn kiệt than, giá dầu thô WTI đang đứng ở mức 81,7 USD/thùng...
Giá nhiên liệu tăng đột biến
Trong khi đó tại châu Á, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay, được đo bằng một triệu đơn vị nhiệt của An (mmBtu), đã từ dưới 5 USD vào tháng 9/2020 lên hơn 56 USD vào tháng 10 này.
Mùa đông tại châu Âu chưa đến, tuy nhiên giá gas đã tăng lên cao kỷ lục tại châu Âu và châu Á do lo ngại về nguồn cung, trong khi một số tập đoàn cung cấp năng lượng tại Anh đã sụp đổ.
Nguồn cung khí tự nhiên được dự báo sẽ tăng dần trong vài năm tới trước khi nhảy vọt vào năm 2025, các nhà phân tích nói với CNBC. Tuy nhiên các nhà phân tích hiện đang bị chia rẽ về việc liệu nhu cầu sẽ tiếp tục cao hơn nguồn cung trong vài năm tới.
Khủng hoảng gas hiện tại khả năng rất cao sẽ xuất hiện trở lại, theo Richard Gorry giám đốc điều hành JBC Energy Asia. “Sẽ có khủng hoảng tiếp theo và sẽ xảy ra vào tầm 3 hoặc 4 năm tới, đơn giản là vì chúng ta không có nguồn cung gas mới vào thị trường trong khoảng thời gian này”, Richard Gorry nói với CNBC vào giữa tháng 10.
“Vào năm 2025, tình hình có thể sẽ thay đổi, tuy nhiên chúng ta có vài năm trước khi chứng kiến giá năng lượng tăng mạnh”, Richard nói.
Tuy nhiên đối với James Whistler, Giám đốc mảng năng lượng phái sinh tại công ty môi giới hàng hải Simpson Spence Young, giá gas sẽ không còn cao nữa sau mùa đông này. “Chúng ta sẽ chứng kiến khủng hoảng năng lượng trong 3 năm tới. Chắc chắn là không”, ông trả lời CNBC.
“Đây là vấn đề trong ngắn hạn và chỉ kéo dài đến tháng 3 tháng 4 năm sau, sau đó chúng ta sẽ chứng kiến mức giá hợp lý quay trở lại”, James Whistler nói thêm.
Chuyển sang năng lượng sạch
Nhu cầu gas đang tăng trưởng rất nhanh, khi các quốc gia đang cố gắng chuyển đổi từ than sang dầu và năng lượng sạch hơn, Gorry nói với CNBC trong tuần này. Điều này có nghĩa thế giới sẽ không có đủ gas, và thị trường sẽ rất căng thẳng trong 3 năm tới.
Trong khi Gorry dự đoán khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau, thị trường sẽ tiếp tục căng thẳng khi nhu cầu tăng mạnh vào mùa đông năm sau.
“Thậm chí ngay cả khi sự thiếu hụt gas không dẫn đến khủng hoảng năng lượng, sự thiếu hụt này có thể đưa thế giới trở lại với than và dầu thô”, theo Gavin Thompson, Phó chủ tịch Wood Mackenzie khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Thompson kỳ vọng việc sử dụng gas sẽ chuyển đổi dần dần sang như năng lượng sạch. Tuy nhiên các nhà sản xuất gas đang lo ngại về triển vọng lâu dài về gas và có thể đầu tư ít hơn vào nguồn cung. Thompson cũng cảnh báo thêm nếu các nhà sản xuất không đầu tư đủ, bên mua sẽ có thể quay trở lại với năng lượng hóa thạch truyền thống.
“Đây là rủi ro lớn bởi vì việc chuyển đổi chậm sang năng lượng sạch sẽ khiến mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030, 2050 sẽ rất khó để thực hiện”, Thompson nói.
Một số nhà phân tích khác dự đoán nguồn cung gas trong vài năm tới vẫn đủ cho nguồn cung.
Anthony Yuen, Giám đốc mảng năng lượng tại Citi Research nhận định, nguồn cung gas “đang trở nên tốt hơn”. Ông này cũng nhấn mạnh thêm các cảng xuất khẩu khí LNG tự nhiên cũng đã mở ra nhiều, và tốc độ sản xuất đang tăng cao tại châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Các cơ sở xuất khẩu khí LNG sẽ làm lạnh gas về tình trạng lỏng do đó có thể vận chuyển trên các tàu biển mà không cần đường ống dẫn.
Cũng theo Anthony Yuen, sự căng thẳng cung cầu năng lượng năm nay do nhiều yếu tố gây ra, từ công suất sản xuất điện kém hơn tại Mỹ Latin đến nhu cầu “rất mạnh” về năng lượng. Ngoài ra, Anthony Yuen cho rằng, thời điểm giá năng lượng “thực sự cao” hiện tại có thể dẫn đến tăng trưởng nhu cầu chậm lại. “Giá năng lượng có xu hướng giảm sau mùa đông này, và sẽ giảm mạnh trong năm 2025 trở đi khi nhiều cảng xuất khẩu khí LNG hoạt động”, Yuen kết luận.
Việt Nam cần có giải pháp gì với tình hình năng lượng hiện tại?
Theo một số chuyên gia trong ngành, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, việc đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng nhiên liệu thay thế là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp và có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia; xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng…
Riêng đối với nguồn nhiên liệu nhập khẩu, cần phải có sự chủ động trong việc mua các nhiên liện ngắn hạn, trung hạn; đầu tư hạ tầng các kho chứa… Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ giảm công suất nguồn điện than, bổ sung nhiều nguồn điện sử dụng khí LNG, do đó, việc đảm bảo các hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu dài hạn với giá cả hợp lý là cực kỳ quan trọng.