Không điều chuyển 932 tỷ đồng còn dư từ lĩnh vực y tế sang lĩnh vực giao thông
(DNTO) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ đề xuất chuyển nguồn vốn dư này sang các dự án giao thông là không phù hợp.
Tại phiên họp bất thường chiều 29/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết về giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; điều chỉnh, bổ sung dự toán NSTW kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương cùng địa phương và Nghị quyết về phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ.
147 nghìn tỷ đồng cho 94 dự án từ chương trình phục hồi kinh tế đã đủ điều kiện phân bổ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày kết quả phân bổ vốn dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (176.000 tỷ đồng).
Thứ trưởng Phương cho biết, trong tổng số 176.000 tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 172.568 tỷ đồng cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Số vốn còn lại chưa thông báo cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 3.432 tỷ đồng. Trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo, nhưng Bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư.
Trong tổng số vốn 172.568 tỷ đồng đã thông báo cho các Bộ, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đến nay đã có 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến bố trí từ Chương trình là 147.138 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn.
168 dự án đã được thông báo vốn từ Chương trình là 25.430 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi rà soát chỉ dự kiến đầu tư 13.198 tỷ đồng cho 144 dự án, số vốn còn dư 802 tỷ đồng Bộ Y tế không đề xuất sử dụng.
Theo đó, còn 932 tỷ đồng dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các Bộ, cơ quan trung ương không đề xuất.
Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh số vốn còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm 932 tỷ đồng nêu trên sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để bổ sung và đầu tư cho 3 dự án ngành giao thông (cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định).
Chính phủ cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn trước khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.
Đồng thời, cho ý kiến về 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.
Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.
Về đề xuất của Chính phủ chuyển 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế sang lĩnh vực khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế nhu cầu vốn cho ngành y tế rất lớn, nhưng Chính phủ đề xuất chuyển vốn sang ngành 3 dự án giao thông, trong đó chỉ có một dự án cấp bách. Vì vậy, đề nghị ngành Y tế tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục nhiệm vụ, dự án, báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH cho ý kiến trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ đề xuất chuyển nguồn vốn dư này sang các dự án giao thông là không phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc điều chỉnh vốn sang cho ba dự án giao thông là “chưa ổn”, vả lại, 2 trong 3 dự án giao thông cũng chưa thực sự cấp bách.
Ban hành Nghị quyết về giao vốn các dự án phục hồi, phát triển KT-XH
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, mục tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ban hành gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển KTXH, nhằm tác động vào tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho nhiều lĩnh vực, chủ yếu là hạ tầng (bao gồm cả giao thông, thủy lợi), y tế, lao động, an sinh xã hội, chuyển đổi số... với mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của cả nhiệm kỳ đạt mục tiêu 6,5-7% cho cả nhiệm kỳ.
Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Theo đó, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Nghị quyết 43/2021/QH15 và Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa các lĩnh vực, các vùng miền, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu.
Về danh mục dự án sử dụng vốn của chương trình theo Nghị quyết 43/2021/QH15, Chính phủ rà soát chịu trách nhiệm chi tiết về từng danh mục dự án khi quyết định phân bổ theo thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục và phân bổ vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ phân bổ số vốn đối với 94 nhiệm vụ dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình; đề nghị Chính phủ rà soát, tiếp thu, giải trình đối với một số dự án cụ thể; rà soát, cập nhật các trường hợp đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để có thể phân bổ ngay trong đợt này.
Đối với 169 dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, đang trong quá trình hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết 43/2021/QH15.
Sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư đủ điều kiện để giao vốn, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.
Đối với phần vốn còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các đề xuất của các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để bố trí vốn này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết để điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư công năm 2022, bao gồm cả việc bố trí vốn điều hòa của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trong đó, nội dung của Nghị quyết cần nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 bổ sung cho các nhiệm vụ dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định; nhất trí bổ sung vốn cho 253 nhiệm vụ dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bổ sung vốn cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và bổ sung vốn cho 1 dự án thuộc trách nhiệm ngân sách trung ương theo đề xuất của Chính phủ.
Trước khi kết thúc phiên họp bất thường, UBTVQH thống nhất ban hành nghị quyết điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công năm 2022 bao gồm cả bố trí vốn điều hòa của chương trình đầu tư công trung hạn.
Cụ thể, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 là 3.350 tỷ đồng để bố sung cho các dự án, nhiệm vụ đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định. Nhất trí bổ sung 14.847 tỷ đồng cho 253 nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong nước đã được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
UBTVQH cũng nhất trí bổ sung 18.584 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo đề xuất của Chính phủ.