Không để hàng từ nước thứ 3 trá hình vào Việt Nam
(DNTO) - Theo các vị tham tán thương mại, Việt Nam đang được hưởng lợi từ EVFTA nên sẽ có rất nhiều luồng hàng hóa trá hình vào Việt Nam nhằm tránh thuế tự vệ, phá giá và xuất đi châu Âu.
Nguy cơ bị lợi dụng xuất xứ
Tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu (ngày 18-19/7), các vị tham tán thương mại, trưởng cơ quan thương vụ tại khu vực châu Âu đã phân tích cơ hội và thách thức của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã bước vào năm thứ 5 thực thi với biểu B5 bằng 0, 99% dòng thuế đã được tự do hóa.
Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ 17 trong thương mại hàng hóa và là đối tác lớn nhất ở ASEAN của Liên minh châu Âu. Hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này chủ yếu là giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, ta nhập khẩu khẩu hóa mỹ phẩm, dược, phương tiện vận tải.
Tuy vậy, một số ngành hàng của Việt Nam cũng đang bị EU mở rộng điều tra hoặc áp thuế từ các vụ thuế đã áp dụng với hàng hóa Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như việc tận dụng ưu đãi từ hiệp định của các ngành hàng trong nước. Do vậy, theo vị Tham tán, Việt Nam cần đảm bảo hàng hóa ở hai khía cạnh. Thứ nhất là không có hàng từ nước thứ 3 trá hình vào Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA. Thứ hai là ngăn chặn hàng hóa vào Việt Nam tránh thuế tự vệ, phá giá rồi xuất đi EU.
“Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra luồng thương mại giữa hai bên hoặc một nước thứ 3 xem có những mối quan hệ liên thông nào không để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Rất nhiều nước ASEAN đang nỗ lực có được một hiệp định như Việt Nam. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi từ EVFTA là hết sức cần thiết. Việc bảo vệ này bắt nguồn từ việc đảm bảo hàng hóa Việt Nam được sản xuất và xuất khẩu một cách bài bản, tuân thủ tốt các quy định của EU nhất là về chất lượng, an toàn sản phẩm”, ông Quân nhấn mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu vào EU, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cũng cho biết bên cạnh việc tận dụng tối đa, khai thác hết cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hóa của hiệp định, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ doanh nghiệp và thị tường trong nước.
“Chúng tôi sẽ phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường về gian lận xuất xứ hàng hoá, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Thương vụ, cơ quan trong bộ tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời tích cực tập trung xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại hoặc xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp.
Tận dụng tối đa thị trường 740 triệu dân
Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu đạt hơn 72,3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 53,2 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu đạt 40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 17%, theo Bộ Công thương.
Châu Âu đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy vậy, đây cũng là thị trường đầy thách thức với hàng hóa Việt Nam.
Riêng với khối EU, năm 2023, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu (tương đương 15,4 tỷ USD), tăng 26,1% so với năm 2022. Quý đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%. Tuy vậy, theo các tham tán, hiệp định còn nhiều dư địa để khai thác.
Ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine cho biết, thị trường Ukraine đang ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và quân đội. Tuy nhiên, sau một số công hàng xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai bên cho thấy vẫn chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, nhất là doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là trở ngại, rào cản cho việc hợp tác thương mại giữa hai nước.
Ở thị trường Liên bang Nga, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho biết thương mại giữa Việt Nam – Nga thời gian qua đã giảm sâu, phục hồi chậm, nhiều dự án đầu tư song phương gặp khó khăn trong triển khai. Trong đó, trở lại lớn nhất trong hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên vẫn là vấn đề thanh toán.
Sau khi hệ thống tài chính - ngân hàng của Nga bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, các ngân hàng Việt Nam rất quan ngại khi thực hiện thanh toán hợp đồng với Nga bằng USD hoặc EURO. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa sử dụng ngoại tệ khác trong thanh toán, thương mại song phương giữa hai nước còn thấp nên việc sử dụng đồng rúp Nga hay VNĐ còn gặp nhiều khó khăn, chi phí cao.
Thương vụ khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia kênh thanh toán bằng đồng rúp và VND, bằng việc cho phép kết nối với Hệ thống truyền tin tài chính của Nga (SPFS) thay thế cho hệ thống SWIFT. Hoặc xem xét sử dụng Nhân dân tệ trong buôn bán quốc tế với Nga và các quốc gia khác như Cuba, Iran…
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, cho biết để thúc đẩy hàng hóa vào thị trường này, các cơ quan và doanh nghiệp phía Việt Nam nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế chuyên ngành như Fruit Logistica (ngành rau quả và sản phẩm liên quan), Biofach (thực phẩm hữu cơ), Anuga (thực phẩm và đồ uống), ITB (du lịch và lữ hành), Fish International (thủy sản), Ambiente (đồ gia dụng và nội thất), Hannover Messe (công nghiệp)...