Hàng ngàn tài sản công bị bỏ không, gây lãng phí, Bộ trưởng Tài chính đề xuất sửa luật
(DNTO) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hiện nay trong Luật Quản lý tài sản công chưa có quy định về hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư có ý định mua lại khi có thay đổi hướng tuyến thì vẫn chưa xử lý được.
Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được nhiều câu hỏi truy vấn của đại biểu quốc hội về quản lý tài sản công, tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công và trách nhiệm của người quản lý...
Cụ thể, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) chỉ ra thời gian qua, nhiều xã đã và đang được chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. "Bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp căn cơ nào?", bà Mai đề nghị.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Ông Phớc cũng cho hay có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Thứ nhất, do một số cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng tài sản công này sau khi sắp xếp. Mặt khác, khi muốn định giá để bán tài sản công này, các cơ quan cũng khó tìm được cơ quan định giá. Bên cạnh đó, để định giá những trụ sở này để bán thì cũng phải chuyển quy hoạch và mục đích sử dụng đất thuộc quản lý Nhà nước sang sang đất sản xuất, kinh doanh.
“Việc này phải làm một loạt thủ tục dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi định giá tài sản công. Để đưa tài sản công này vào sử dụng, phát huy hiệu quả, sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản đôn đốc các đơn vị”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan quản lý nhà đất, công sản ở đô thị. "Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách, nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh", đại biểu đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Đáp lại, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. "Như quản lý ô tô, nhà thuộc trách nhiệm từng đơn vị thì khi hỏng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công, vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công", Bộ trưởng tài chính nói.
Nhấn mạnh những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm.... Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công.
"Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công vì chưa bao quát hết hành vi", Bộ trưởng cho hay.
Ông dẫn chứng như Luật chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công. Chẳng hạn, các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên trạm đó không sử dụng được nữa, đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý và mua lại một số nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư có ý định mua lại khi có thay đổi hướng tuyến, chúng ta vẫn chưa xử lý được.
Về lâu dài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phải sửa đổi quy định Luật Quản lý tài sản công và sửa Nghị định 167 theo hướng rút gọn, đang xin ý kiến các bộ, ngành. "Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt về quản lý hiệu quả hơn", Bộ trưởng tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính lý giải nguyên nhân chưa bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc
Nêu ý kiến chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính, theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ôtô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân?
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
"Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, lên tới 2.300 tỷ đồng", Bộ trưởng thông tin.
Đồng thời nhấn mạnh, đối tượng sử dụng xe máy thường là người nghèo, người có thu nhập thấp, trong khi các vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm tỉ lệ cao. Trong nhiều vụ tai nạn, chủ xe cơ giới không đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, nên bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp bảo hiểm.
"Người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu đồng, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu đồng. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy", Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng cũng cho biết, để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn: "Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có tư liệu ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm".