Ngân sách tồn dư hơn 1 triệu tỷ: Bộ trưởng Tài chính nêu phương án giải ngân
(DNTO) - Về số tiền ngân sách tồn dư hơn 1 triệu tỷ, Bộ trưởng Tài chính cho biết số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia...
Tham gia giải trình, làm rõ vấn đề lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao được đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời điểm lập dự toán 2022 là vào tháng 9/2021, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Tăng trưởng GDP khi đó âm 6,02%, thu ngân sách tháng 9 cũng âm 46% so cùng kỳ. Dự toán được lập phù hợp tình hình thực tiễn.
"Tuy nhiên, đến năm 2022, nước ta đã chống dịch thành công, tăng trưởng tăng đạt 8,02% cả năm, từ đó vượt thu ngân sách", Bộ trưởng nói.
Phân tích các khoản thu vượt xa ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cho biết, dầu thô vượt 49,8 ngàn tỷ do tăng giá dầu và tăng sản lượng. Tiếp đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng vượt 86,4 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thu từ đất đai vượt 74.000 tỷ, tức lập dự toán 135.000 tỷ đồng thì thực hiện 209.000 tỷ đồng, khắc phục từ chuyển nhượng bất động sản "hai giá" tăng được 21.000 tỷ đồng...
"Như vậy, thu từ nội địa tăng tới 162,2 ngàn tỷ đồng, những kết quả trên cho thấy nhiệm vụ tài chính - ngân sách, điều hành tài khóa của năm 2022 tương đối thành công", ông Phớc nói.
Trước đó, nhiều ĐBQH kiến nghị "có thể linh hoạt bố trí khoản tồn dư hơn 1 triệu tỷ này hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân". Các đại biểu hy vọng những giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trên thực tế tồn dư ngân sách là 1.043 ngàn tỷ đồng, hiện gửi Ngân hàng Nhà nước là 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm, số còn lại gửi tại ngân hàng thương mại, gửi ngắn hạn.
"Số tiền này gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, chẳng hạn như bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... và nguồn có nhiệm vụ chi chi tiết. Còn tồn đọng là bởi chúng ta chưa giải ngân hết, chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác", Bộ trưởng lý giải.
Cũng theo Bộ trưởng, trước tình hình khó khăn về kinh tế, điều cần làm hiện nay là để tháo gỡ tổng cầu, tức là tăng tiêu dùng xã hội, tăng đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực như bất động sản, điện tái tạo, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hay tăng xuất nhập khẩu.
Theo đó, cần giải quyết vấn đề thị trường và cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp là "tế bào" của nền kinh tế, doanh nghiệp có phát triển thì mới giải quyết được công ăn việc làm, tăng trưởng và thu ngân sách sẽ thành công.
Do đó, "phải phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành như vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc thiết bị... cần phân cấp và tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện", Bộ trưởng lưu ý.
Về vấn đề quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết lộ trình thực hiện tự chủ tài chính là phải đảm bảo cho việc tính giá dịch vụ của sự nghiệp công theo nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ, cho nên cần phải ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để đáp ứng kịp thời nội dung này. Sau 3 năm thực hiện, hiện nay các đơn vị thuộc y tế và giáo dục phản ánh là có những vấn đề bất hợp lý trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP và đề nghị sửa nghị định một cách sát hợp hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý các đơn vị cần phải quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phải phấn đấu đảm bảo 20% đơn vị tự chủ được tài chính.