Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước đạt 53.887 tỷ đồng
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước, năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6% so với dự toán.
"Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng", Bộ trưởng cho hay.
Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là 89,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất là 110,67 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng dẫn giải, trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn chậm, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...
Về nợ công, tính đến hết năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam bằng khoảng 3.619 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP, giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021. Cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Đối với nợ Chính phủ, dư nợ trong nước tiếp tục xu hướng tăng về tỷ trọng, chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài; nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Bộ trưởng nhấn mạnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
"Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án" Bộ trưởng chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Do đó, đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 10 tới đây.