Bộ Tài chính: Thu ngân sách nhà nước lấy lại đà tăng, bội thu gần 450.000 tỷ đồng
(DNTO) - Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm, chi ngân sách Nhà nước ước đạt 64,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết quý I/2023, ngân sách ước tính bội thu 128.100 tỷ đồng.
Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 30/3 ước đạt 449.093 tỷ đồng, đạt 31,81% dự toán cả năm, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách Trung ước đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).
Nêu rõ một số khoản thu, sắc thuế có tiến độ thu đạt khá so dự toán, Bộ Tài chính cho biết chủ yếu là tập trung thu các khoản phát sinh quý 4/2022 như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo chế độ thực hiện kê khai nộp ngân sách trong quý 1/2023.
Số thu nội địa quý I đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022. Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng. Ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Liên quan đến chi ngân sách, lãnh đạo Bộ tài chính thông tin, lũy kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/3/2023, đã thực hiện phát hành gần 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm, lãi suất bình quân 4,26 %/năm.
Nhấn mạnh, năm 2023, là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước tuy có một số nhân tố tích cực song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH 15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, với số giảm thu ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước... Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng hóa nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trong nước...
"Bộ Tài chính đang tính toán việc gia hạn thời hạn nộp thuế; miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, tổ chức; giảm tiền thuê đất phải nộp... để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 507 nghìn tỷ đồng", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.