'Thu - chi ngân sách cần được dự báo và đặt mục tiêu sát với thực tiễn nền kinh tế'
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng, thu - chi ngân sách cần được dự báo và đặt mục tiêu sát với thực tiễn của nền kinh tế hiện nay. Từ đó có sự đánh giá thận trọng hơn về các rủi ro vĩ mô đã hiện hữu, đồng thời dự kiến những giải pháp tình thế khi những bất lợi xảy ra...
Doanh nghiệp gặp khó khiến "cửa thu" nhỏ lại
Bộ Tài chính dự báo bối cảnh kinh tế thế giới với chủ trương ưu tiên kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn đã được thắt chặt nhanh, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái. Thêm vào đó, giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng như lương thực, nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, bên cạnh nền tảng phục hồi kinh tế từ năm trước, Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế, như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, thị trường tài chính, thị trường vốn đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới...
Tại buổi tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức,” ngày 10/11, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết, dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) 2023 có phần thận trọng. Theo đó, dự báo số tăng thu trong bối cảnh vĩ mô hiện nay chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2023 dự kiến cao hơn 5%.
Tổng thu NSNN giai đoạn 2023 - 2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN trong 3 năm 2020 - 2022, dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016 - 2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh).
“Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế - phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm, nên chúng tôi cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi rõ vì dự báo sai”, ông Tân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tân, trong những năm gần đây, theo thống kê của cơ quan tài chính, khoản thu bền vững của ngân sách là khoản thu lõi tăng từ 8 - 10%. Các khoản thu phát sinh như khoản thu từ đất đai không ổn định, bất thường, có địa bàn này thu tốt địa bàn khác thu kém. Do đó, trong tính toán Bộ Tài chính lường trước mọi yếu tố để đưa vào dự báo thu của năm sau.
Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, ông Tân cho rằng, nếu thoạt nhìn con số thì thấy khó hiểu. Trong khi chỉ tiêu tăng GDP là 6,5%, CPI là 4,5 % thì tăng thu ngân sách nhà nước rất thấp do tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thu ngân sách nhà nước nói riêng đang có vấn đề, đang cần có giải pháp ứng xử kịp thời.
Cụ thể, trong lĩnh vực thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách nhà nước mỗi tháng trung bình đạt 11% dự toán, từ tháng 6 trở lại đây chỉ đạt 4 - 6% so với dự toán đề ra. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có vấn đề.
Ông Tân cho rằng, những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt do có cú hích từ phát triển cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Nhưng từ sau đó doanh nghiệp bị ảnh hưởng do hợp đồng giảm, khó khăn sản xuất kinh doanh… nên số thu nộp ngân sách nhà nước giảm.
Trong khi đó diễn biến kinh tế thế giới khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm, tác động tới các nền kinh tế thế giới về tăng trưởng, thương mại, việc làm. Do đó Chính phủ thảo luận và lựa chọn giải pháp chủ động trong điều hành trước bối cảnh biến động của thế giới. Trong trường hợp có vượt thu, chúng ta có quy định rõ ràng nguồn vượt thu để ưu tiên mục tiêu gì.
Nêu quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), chia sẻ, một số chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách cần được dự báo và đặt mục tiêu sát với thực tiễn của nền kinh tế hiện nay. Thêm vào đó, cần có sự đánh giá thận trọng hơn về các rủi ro vĩ mô đã hiện hữu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu-chi ngân sách 2023 và sau đó, đồng thời dự kiến những giải pháp tình thế khi những rủi ro đó xảy ra.
"Chính vì vậy, cần lựa chọn giải pháp chủ động để ứng phó với những biến động thế giới và trong nước. Sau đó, sẽ điều hành trên mục tiêu chắc chắn đó thì khả thi hơn", ông Thành nhìn nhận.
"Cửa chi" năm 2023 dự báo tăng trên 16%
Bộ Tài chính dự báo bối cảnh kinh tế thế giới với chủ trương ưu tiên kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn đã được thắt chặt nhanh, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái. Thêm vào đó, giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng như lương thực, nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, bên cạnh nền tảng phục hồi kinh tế từ năm trước, Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế, như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, thị trường tài chính, thị trường vốn đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới...
"Trong bối cảnh đó, mục tiêu ngân sách Nhà nước năm 2023 tiếp tục tập trung vào hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự toán chi NSNN của cả năm 2023 là 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so năm 2022", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đánh giá về dự toán và việc thực hiện NSNN, PGS, TS.Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính chia sẻ: “Sau nhiều năm, lập dự toán chi đầu tư vẫn là điểm yếu, do vậy việc thực hiện dự toán chi đầu tư công vẫn là một thách thức lớn”.
Bởi theo ông Cường, dự thảo NSNN 2023 còn thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương. Cụ thể, chưa có thông tin cho phép đánh giá chi NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho KHCN, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không...
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Do vậy, cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2023 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương.
Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, ngân sách Nhà nước tiếp tục cơ cấu lại, trong đó nợ công sẽ gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Mặt khác, mục tiêu ngân sách sẽ duy trì đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập.
Hơn nữa, chi ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục cơ cấu lại gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách trên cơ sở tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Theo đó, hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
“Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, hành lang pháp lý sẽ cần hoàn thiện đồng thời cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế,” ông Tân nhấn mạnh.