Hà Nội sẵn sàng các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển FDI
(DNTO) - Việc tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn FDI, đồng thời khẳng định TP luôn quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sáng 19/10, tại Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khoảng 120 đại biểu đại diện cho các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.
Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về tổng vốn FDI
Thông tin tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội.
9 tháng đầu năm 2021, tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ tư kể từ ngày 27/4/2021 đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,61%; Quý III giảm 7,02%, chủ yếu do các nhóm ngành như: dịch vụ giảm 8,18%, công nghiệp - xây dựng giảm 6,76%. Do vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GRDP chỉ tăng được 1,28% so với cùng kỳ.
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đón nhận dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, với dự án đầu tiên từ năm 1989; đến nay, Thành phố là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đà thu hút FDI từ năm 2018 trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt 1,28 tỷ USD, trong đó: đăng ký mới 256 dự án với số vốn 144 triệu USD; tăng vốn 93 dự án thêm 686 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho Hội nghị hôm nay, Thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD. “Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội cũng như sự quan tâm của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm giải ngân, triển khai dự án, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế”- ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, cùng với FDI, thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, gồm: 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng; điều đáng mừng là có 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9/2021, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng đầu tư sau đại dịch
Với mong muốn và quyết tâm nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sớm phục hồi và phát triển kinh tế, Thành phố đã xây dựng và tập trung các nguồn lực để triển khai 6 nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT về phân loại cấp độ dịch. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân Thủ đô khi được phân bổ.
Rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; sửa đổi Luật Thủ đô và các quy định liên quan, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu. Tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng các công trình dự án trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật khung.
Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Thành phố; Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.
Tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới cơ bản các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được tinh gọn và thực hiện trực tuyến, như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...
Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với nâng cao chất lượng an sinh xã hội tạo môi trường lành mạnh cho phát triển bền vững. Thúc đẩy và khuyến khích đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng, trình độ và ý thức cao, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.
Duy trì hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với hình ảnh thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hỗ trợ và giải quyết tối đa các hồ sơ và đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết và hướng dẫn tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc cho nhà đầu tư. Sau thời gian giãn cách (từ 21/9/2021 đến ngày 15/10/2021), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận và xử lý 416 lượt hồ sơ một cửa thuộc lĩnh vực đầu tư FDI (bằng 65,9% tổng số hồ sơ từ đầu năm); giải quyết 278 hồ sơ với số vốn tăng lên khoảng 340 triệu USD (bằng 40,9% vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm, bao gồm đăng ký dự án mới, dự án tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần), nâng tổng số vốn thu hút FDI năm 2021 đến nay khoảng 1.200 triệu USD.