Giá thịt lợn năm 2021 ổn định, không biến động tăng mạnh như 2020
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp Thương mại, Bộ Công thương, giá thịt lợn năm 2020 tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng chung. Dự báo giá bình quân thịt lợn năm 2021 tương đối ổn định, không có biến động tăng mạnh như năm 2020 nếu kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi.
Nhu cầu thịt lợn sẽ tăng cao vào dịp cuối năm và cận tết nguyên đán
Theo ông Nguyễn Quốc Lân, giá lợn hơi năm 2020 diễn biến phức tạp, thấp nhất vào thời điểm trong tháng 11/2020 (64.000 đồng/kg), và cao nhất vào thời điểm trong tháng 5/2020 (lên đến trên 100.000 đồng/kg).
Xu hướng giá giảm dần từ thời điểm cao nhất của tháng 5/2020 đến đầu tháng 12/2020. Tuy nhiên đến giữa tháng 12/2020 đến nay, giá đang có xu hướng tăng. Tính chung cả năm 2020, giá thịt lợn tăng 57,23% so với năm 2019, làm CPI chung tăng 1,94%.
Chỉ ra nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng, ông Lân cho biết, thứ nhất do nguồn cung khan hiếm, và việc tái đàn gặp khó khăn bởi giá heo giống mở mức cao (có thời điểm lên trên 3 triệu đồng/con), hộ chăn nuôi không đủ vốn để đầu tư. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tái đàn chậm.
Nguyên nhân nữa là do dịch tả lợn châu Phi bùng phát; việc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới.
“Một bộ phận giết mổ nhỏ lẻ phải mua lại của thương lái từ những nông hộ giữ lợn để ép giá lên cao, đã làm cho giá thịt lợn hơi ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung”, ông Lân nói.
Bên cạnh đó, chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế, phí cao tác động tăng giá. Ngoài ra, hiện chưa có quy mô dự trữ lợn đông lạnh cùng với thói quen tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân.
Đặc biệt, chi phí chăn nuôi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cao so với thời điểm trước dịch, giá thức ăn chăn nuôi có thời điểm tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ thay đổi, tăng cao vào dịp cuối năm và cận tết nguyên đán.
Theo ông Lân, nhu cầu tiêu thụ cuối năm 2020 tăng cao khiến giá lợn hơi tăng trở lại trong hai tuần cuối tháng 12/2020, giá lợn hơi trung bình cả nước trong tháng 12/2020 dao động trong khoảng từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 – 8.000 đồng/kg so với tháng trước.
“Giá lợn hơi tăng khiến các sản phẩm thịt tăng nhẹ so với tháng trước. Giá lợn hơi trong nước thời gian tới có thể còn tiếp tục tăng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm và cận Tết nguyên đán, lợn tại các trang trại nhỏ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nhiều. Nhưng dự báo giá lợn hơi khó tăng mạnh thêm nữa do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh, khó xảy ra tình trạng thịt heo khan hàng, sốt giá; chịu áp lực cạnh tranh từ thịt nhập khẩu giá rẻ; nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, tôm và nguồn cung thịt nhập khẩu về nhiều”, ông Lân nói.
Bên cạnh đó, nền chăn nuôi, giá thịt lợn trong nước sẽ phải cạnh tranh với thị nhập khẩu giá rẻ khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA).
“Dự báo giá bình quân thịt lợn năm 2021 tương đối ổn định, không có biến động tăng mạnh như năm 2020 nếu kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi”, ông Lân cho biết.
Cần kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi để bình ổn giá thịt lợn
Đưa ra các đề xuất để bình ổn giá thị lợn, ông Lân cho rằng các địa phương cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, rà soát, công bố hết dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình; tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý và an toàn dịch bệnh cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về nhu cầu và giá cả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn và ổn định thị trường trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu cân đối nguồn cung trong nước, diễn biến thị trường giữa cung và cầu để cho phép nhập khẩu lượng phù hợp để đáp ứng nguồn cung, đồng thời tránh dư thừa, ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.
Cần giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu đãi, người chăn nuôi bị thịt hại do dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của ngành ngân hàng.
“Có thể nói, dịch tả lợn châu Phi vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn. Về lâu dài, cần có cuộc cách mạng thay đổi hình thức chăn nuôi, đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dần công nghiệp hóa thay thế hình thức chăn nuôi nông hộ. Mặt khác, đây cũng là một trong các giải pháp giữ được sự tồn tại ngành chăn nuôi lợn trong nước khi chúng ta thực thi các hiệp định thương mại (CPTPP và EVFTA)”, ông Lân nói.