70% nam giới mắc bệnh Fournier bị ảnh hưởng chất lượng hoạt động tình dục
(DNTO) - Một bệnh nhân người nước ngoài bị mắc bệnh Rournier. Người này vào viện trong tình trạng sưng tấy vùng bìu lan tỏa xuống tầng sinh môn, làm hạn chế đi lại, gây khó khăn khi đi vệ sinh. Trước đó, ông đã tới nhiều cơ sở y tế để thăm khám nhưng không phát hiện ra bệnh.
Khoa phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân người Philipines R.D.D (47 tuổi). Ông là một giáo viên dạy Tiếng Anh đã sinh sống ở Việt Nam 15 năm.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở rộng vùng thương tổn, cắt bỏ rộng rãi tổ chức hoại tử, để da hở và sử dụng băng gạc chăm sóc vết thương đặc biệt. Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, ông R.D.D đã ổn định và ra viện.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Bệnh lý Fournier là một nhiễm trùng nặng có đặc điểm gây hoại tử lan rộng vùng tầng sinh môn, vùng bìu ra xung quanh, lên phía trên thành bụng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, cơ địa nghiện rượu, đái tháo đường...
Tỷ lệ mắc bệnh trong khoảng từ 0.1 đến 0.4 trên 100.000 dân. Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm có từ 900 đến 1.000 trường hợp mắc bệnh, đa số ở các bệnh nhân lớn tuổi, béo phì.
Ngay cả sau khi được điều trị, người bệnh vẫn phải đối mặt với một số vấn đề gặp phải như chất lượng cuộc sống giảm, đặc biệt với người còn trẻ về khía cạnh đời sống tình dục, nhất là nam giới cương đau dương vật khi quan hệ, hoặc suy giảm tình dục do trầm cảm, do mặc cảm hình ảnh sau tạo hình…
Một số các báo cáo cho thấy chất lượng hoạt động tình dục bị ảnh hưởng tới 70% ở nam giới sau mắc bệnh. BS Trần Tuấn Anh. Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Ở Việt Nam bệnh vẫn còn ít được biết đến và có ít các nghiên cứu đề cập đến bệnh cũng như xử lý.
Bệnh có nguồn gốc từ các bệnh lý nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng: áp xe quanh trực tràng, nứt kẽ hậu môn hoặc thủng đại trực tràng. Liên quan đến đường tiết niệu có viêm nhiễm ở niệu đạo, chấn thương đường tiết niệu…
Biểu hiện bệnh đầu tiên với biểu hiện nhiễm trùng sốt, môi khô lưỡi bẩn hơi thở hôi. Nếu đến bệnh viện muộn hoặc diễn biến nặng có biểu hiện suy đa tạng: mạch nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu…hoặc sốc nhiễm khuẩn.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo: Người bệnh khi có những bệnh lý đường tiểu, hậu môn trực tràng trên cơ địa có bệnh nền cần được thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu có những dấu hiệu nhiễm trùng như trên nên đến khám sớm để được điều trị kịp thời.