3 giờ đồng hồ phẫu thuật cắt gan bị khối u máu cho bé trai 14 ngày tuổi
(DNTO) - Chào đời mới được 14 ngày tuổi với cân nặng chỉ 3 kg, bé L. (ở Như Quỳnh, Hưng Yên), đã trải qua ca đại phẫu vô cùng khó khăn do có một có một khối u máu lớn trong gan.
Gia đình cho biết, bé L. được phát hiện có u máu trong gan ngay từ khi khi mới là bào thai 29 tuần tuổi. Bệnh nhi là con thứ 2 trong gia đình tiền sử không có bệnh lý bất thường.
Khi được 1 ngày tuổi, bé L. được gia đình chuyển từ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương sang Bệnh viện Nhi Trung ương do bụng chướng và có tiền sử u máu trong gan đã được chẩn đoán trước sinh. Quá trình thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bé có khối u máu thể lan toả toàn bộ nhu mô gan trái, kích thước lớn, bờ đều, giãn các tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ dưới.
Nhận định đây là một trường hợp phức tạp, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo hội chẩn chuyên môn toàn bệnh viện. Các bác sĩ đi đến quyết định bệnh nhi cần được phẫu thuật cắt gan cấp cứu, xác định rõ các nguy cơ trong và sau phẫu thuật.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, đây là trường hợp trẻ sơ sinh có khối u máu lớn, lan toả toàn bộ trong gan trái, bệnh nhi rất có thể đối mặt với nguy cơ chảy máu trong phẫu thuật gây sốc mất máu và có thể tử vong trên bàn mổ, phần khác do cắt thể tích gan lớn, phần gan còn lại không đủ sau phẫu thuật gây suy gan cấp.
Thêm vào đó là tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu, hội chứng khoang ổ bụng. Với trường hợp cháu L, bệnh nhi xuất hiện tình trạng bụng chướng tăng dần, gây chèn ép ngày càng lớn vào ổ bụng, gây suy hô hấp và nguy cơ vỡ u rất cao nếu không phẫu thuật cấp cứu.
Nhóm bác sĩ phẫu thuật phải đối mặt với những khó khăn trực tiếp, đó là cấu trúc gan đã bị khối u đè đẩy, thay đổi vị trí, mà cắt gan bắt buộc phải theo giải phẫu các mạch máu để giảm thiểu lượng máu mất và bảo tồn phần gan lành, nên các bác sĩ phải hết sức cẩn thận tỉ mỉ trong khi phẫu tích.
Trong quá trình phẫu thuật, huyết áp của bệnh nhi đã có lúc tụt xuống rất thấp, phải truyền rất nhiều máu và huyết tương tươi nhưng cả kíp mổ vẫn kiên trì, phối hợp, làm việc nhóm ăn ý giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức.
Sau 3 tiếng, với sự nỗ lực của ekip phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, trẻ được chuyển đến khoa Điều trị Tích cực Ngoại khoa. Tại đây, các chỉ số của bệnh nhi luôn được theo dõi chặt chẽ, để phòng các nguy cơ biến chứng sau mổ, đồng thời đánh giá được chức năng của lá gan còn lại.
Sau mổ hơn 1 tuần, hiện sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt, được chuyển lên phòng bệnh thông thường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, trong thời gian tới, trẻ sẽ vẫn tiếp tục được theo dõi định kỹ hàng tháng, bởi u máu của gan có thể tái phát lại, xuất hiện ở các khu vực khác.