FPT vượt 'sóng' bằng 'tàu cao tốc'
(DNTO) - Liên tục thực hiện các thương vụ M&A thành công với các công ty danh tiếng, đồng thời chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, 2023 là năm thành công với FPT khi doanh nghiệp đang từng bước chinh phục những giấc mơ của mình. FPT như Shinkansen (tàu cao tốc Nhật Bản) lướt trên biển lớn.
Đi ra thế giới
Từ những năm 1998-1999, trên thị trường công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, FPT đã đứng đầu ngành và phụ trách phát triển nhiều hệ thống CNTT lớn trong nước như: Hệ thống đặt chỗ giữ vé của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, phần mềm cho hàng loạt ngân hàng.
Đây cũng là thời điểm tập đoàn này lựa chọn con đường tiến ra nước ngoài. Lý giải về chiến lược “mở biên”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết: “Khi đó, IBM - công ty tin học lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng, vì ngủ quên trên chiến thắng mà lỗ mỗi năm gần chục tỷ USD. Khi người ta đứng lâu ở vị trí đứng đầu thì rất dễ bị suy thoái. Để FPT không sa vào con đường tương tự, tôi quyết định đưa tập đoàn vươn ra thế giới”. Những chiến lược đúng đắn đưa doanh nghiệp tiến ra thế giới của FPT đã mang lại nhiều thành công cho tập đoàn này.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2022, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dùng hình ảnh con tàu Shinkansen để nói về FPT, đó là tốc độ, không lùi bước, tiến lên phía trước. Ông kể một câu chuyện thú vị về FPT và Cardinal Peak, hai doanh nghiệp nằm ở hai nửa bán cầu. Cardinal Peak, một công ty đã có hơn 20 năm hoạt động tại Bắc Mỹ, sở hữu danh mục khách hàng rộng lớn với hơn 300 công ty là niềm khao khát của nhiều doanh nghiệp công nghệ.
“Chúng tôi mất khoảng 6 tháng gọi điện “cưa cẩm” để thuyết phục họ”, những con người của FPT chia sẻ về những ngày tháng đáng nhớ. Thú vị là, vào thời điểm ban đầu, Cardinal Peak chưa hề biết đến FPT, trong khi một công ty Big4 lại đang nhòm ngó họ. Tuy nhiên, FPT được chọn thay vì công ty Big4.
Kết quả cuối cùng có vẻ như nhuốm màu sắc lãng mạn, nhưng thực chất đó là thành quả của nửa năm trao đổi thông tin, đàm phán, thuyết phục để tìm tiếng nói chung. Hay nói cách khác, sự kiên trì của FPT đã mang lại kết quả ngọt ngào.
Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình cho biết, “nếp văn hóa gia đình” chính là điểm mạnh của FPT trong nhiều thương vụ M&A bạc tỷ. Trong khi công ty Big4 kể trên thể hiện rõ sự khác biệt về văn hóa, FPT lại mang đến sự chân thật, ấm áp, coi trọng tình nghĩa, và đặt con người làm giá trị cốt lõi để thuyết phục đối tác.
Đây chỉ là một trong các thương vụ M&A thành công của FPT tại thị trường nước ngoài. Trong 2023, một năm đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới và ngành công nghệ khi làn sóng sa thải nhân sự dâng cao, FPT đã thành công với 4 thương vụ liên tiếp, bao gồm Intertec International, AOSIS, và Landing AI.
“Đi đến đâu chúng tôi cũng muốn “lắp toa” đến đấy, ở Mỹ, Pháp, Đức, để tàu đi nhanh hơn là chạy một mình”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh khi nói về chiến lược ra nước ngoài và cho biết, “Dù gặp khó khăn liên tục nhưng đó lại là cơ hội và chúng tôi đã khéo léo vượt qua”.
Trong nhiều năm qua, FPT đã tận hưởng thành quả từ các thương vụ M&A, như vào năm 2018, FPT Slovakia đã mang về hợp đồng có quy mô lên tới 100 triệu USD, và thương vụ với Intellinet đã mang về khách hàng có quy mô doanh số trên 100 triệu USD/năm.
Tháng 12/2023, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài của FPT cán mốc 1 tỷ USD, tăng gấp đôi trong ba năm. Thời gian tới, FPT đặt mục tiêu vốn hóa thị trường hơn 5 tỷ đô - tiếp tục chinh phục mốc cao nhất lịch sử.
Từ một công ty "không thương hiệu" với các hợp đồng nước ngoài chỉ vài nghìn USD, sau 25 năm, FPT trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên vào nhóm doanh nghiệp CNTT tỷ USD toàn cầu. Con số này cao gấp đôi doanh thu xuất khẩu phần mềm của công ty năm 2021 và gấp 10 lần sau một thập kỷ.
Cổ phiếu FPT cũng tăng liên tục với mức tăng gần 50% trong một năm khó khăn của thị trường chứng khoán, minh chứng cho niềm tin mà cổ đông dành cho doanh nghiệp.
Dù đang trong một năm đầy biến động, “đoàn tàu cao tốc” FPT vẫn tiếp tục “xé gió” để tiến về phía trước.
Những giấc mơ lãng mạn nhưng tuyệt vời
Khi FPT trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, Phó Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Cao Bảo - một trong những thành viên sáng lập tập đoàn, đã chia sẻ những suy nghĩ ấn tượng trên trang cá nhân của mình.
“Một giấc mơ rất lãng mạn nhưng rất tuyệt vời”, ông Bảo chia sẻ và nhớ lại thời khắc hai mươi lăm năm trước, khi ông đề xuất mục tiêu “1 tỷ USD” tại một hội nghị của FPT. Cả hội trường đã lặng đi. Thời điểm đó, toàn bộ doanh thu phần mềm trong nước chỉ có 400 ngàn USD, vì vậy mục tiêu 1 tỷ USD dường như quá xa vời. Tuy nhiên cuối cùng, mọi người đã đồng lòng đồng ý với ước mơ này.
Những người FPT lãng mạn, nhưng không mơ mộng. Họ đã biến những điều tưởng chừng không thể thành những câu chuyện tuyệt vời nhất. Công lao lớn thuộc về những con người đang hàng ngày kiến tạo nên tập đoàn này.
Đó là những vị lãnh đạo nhiệt huyết và đam mê, những lão tướng trong làng công nghệ mà thế hệ chúng tôi gọi bằng cái tên thân thiện ‘Sếp FPT’. Điều đặc biệt của các vị sếp là sự cởi mở chia sẻ, thể hiện tâm tư tình cảm, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Đó là những nhân viên được tôn trọng mọi tính cách, được khuyến khích theo đuổi ước mơ và tỏa sáng. FPT luôn trao cho họ cơ hội thăng tiến, vinh danh, tuyên dương thường xuyên, và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tại FPT, con người luôn là tài sản vô giá. Nơi đây, nụ cười hạnh phúc luôn được nuôi dưỡng, dù đối mặt với bất kỳ nghịch cảnh nào. Họ sẽ tiếp tục viết nên những giấc mơ mới của FPT, một cách táo bạo và lãng mạn hơn.
Kết thúc 9 tháng năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu đạt 37.927 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 6.768 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3%, EPS đạt 3.744 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,6% so với năm trước.