Ferrari và Lamborghini cùng lao vào cuộc chơi sản xuất xe chạy pin
(DNTO) - Hai thương hiệu ô tô sang Ferrari và Lamborghini đang nỗ lực thiết kế những chiếc bốn bánh chạy bằng năng lượng pin, kéo dài nguồn cảm hứng cả hai từng có với những mẫu xe động cơ đốt trong đắt tiền của họ ngày nào.
Nhóm nam sinh đổ ra khỏi một ngôi trường ở Ý im lặng nhìn chiếc Lamborghini đến gần trong tiếng động cơ 12 xi-lanh rì rầm êm ả. Thế rồi, khi tiếng con quái vật hình nêm rồ lên ầm ầm trên sân trường, đám đông vỡ òa nhảy lên không trung giương cao các nắm đấm. Đó là dạng biểu hiện tự phát của cảm xúc bùng lên được truyền cảm hứng từ nhà sản xuất xe thể thao Ý. Nó càng nung nấu khát khao thúc đẩy những công dân có đủ khả năng tài chính chi ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đô la, để sở hữu được một chiếc.
Tuy nhiên giờ đây, những Lamborghini, Ferrari hay một số nhãn hàng bốn bánh khác được tặng danh hiệu siêu xe đang phải đối mặt với một mối đe dọa hữu hình. Ngành công nghiệp ô tô đang chuyển hướng sang nguồn pin, một xu hướng mà các nhà sản xuất không thể đứng ngoài cuộc. Hiện giới chất xám trong nghề đang vắt óc tìm cách thiết kế những dòng xe thể thao điện, vừa đủ sức khơi dậy niềm đam mê chung nhưng vừa có cùng mức giá.
Tesla đã khơi mào cuộc thách thức nhắm vào Ferrari và Lamborghini trong cuộc tranh giành vị trí tiên phong thuộc lĩnh vực thiết kế dòng ô tô không xăng. Chính tên tuổi này đã đi tiên phong trong lĩnh vực xe điện với Model S Plaid, mẫu hàng có thể tăng tốc lên gần 97km một giờ chỉ trong hơn hai giây, nhanh gấp bội bất kỳ chiếc Ferrari hay Lamborghini nào khác.
Có một điều hơi tiếc là Ferrari đã khá muộn với cuộc đua xe điện khi mở đầu họ lại đi cung cấp một chiếc hybrid plug-in với tên gọi Stradale hồi năm 2019, còn viễn cảnh cho ra lò một xe chạy điện hoàn toàn được hứa hẹn là phải đến năm 2025.
Công ty có trụ sở tại Maranello, Ý này cho biết sẽ tự mình chế tạo động cơ điện và các thành phần quan trọng khác, đúng chất thủ công và tính độc quyền của thương hiệu. Ferrari cũng nhấn mạnh, theo sát truyền thống, hãng sẽ ứng dụng công nghệ từ đội đua đáng gờm của riêng họ, nhưng công ty sẽ không tham gia cạnh tranh trong giải Công thức E, một dạng Formule 1 dành cho ô tô điện.
Về phần Lamborghini, tên tuổi do Volkswagen sở hữu có trụ sở tại làng Sant’Agata Bolognese, sẽ chào hàng dòng plug-in hybrid đầu tiên vào năm 2023, rồi vào nửa năm sau của thập kỷ này, ô tô chạy hoàn toàn bằng điện của hãng mới ra đời.
Thực tế hiện nay, khi thị trường bốn bánh nói chung đang trì trệ, sự phổ biến của ô tô chạy bằng pin đang tăng vọt trên toàn thế giới. Bất chấp tình trạng thiếu hụt tài chính do bóng ma lạm phát, người Mỹ đang mua xe điện với tốc độ kỷ lục khiến doanh số bán hàng tăng cao ở Hoa Kỳ. Phân khúc này chiếm 5,6% doanh số bán xe mới trong tháng 6 vừa qua, gần gấp đôi so với một năm trước nhờ các trạm thu phí được đặt cách nhau không quá 50 dặm và pin sạc nhanh đầy chỉ trong vòng vài phút. Điển hình cho bối cảnh sáng sủa ấy là General Motors đang hy vọng sẽ trở thành một thế lực hàng đầu trong ngành công nghiệp xe điện.
Lâu nay những chiếc siêu xe Ý được bao phủ bằng ánh hào quang huyền thoại của thứ tiếng gầm rú và sức mạnh động cơ đốt trong. Xem chừng âm thanh chính là một tài sản quan trọng đối với những dòng xe này. Thế nhưng giờ đây có vẻ như niềm tự hào và uy tín của người Ý đang bị đe dọa.
Trong khi đa số phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô Ý gần như không còn phù hợp - bằng chứng là thị phần của Fiat ở châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 4% - thì riêng những tín đồ siêu xe vẫn chịu chi ra hàng trăm nghìn USD - các mô hình độc quyền nhất có thể đạt đến giá hàng triệu - cho những chiếc Ferrari và Lamborghini, và nhẫn nại chịu chờ đến một năm mới được nhận hàng.
Trong thực tế, Ferrari và Lamborghini đều làm ăn rất có lãi. Ferrari, tuy có giao dịch trên sàn chứng khoán đấy nhưng lại được gia đình Agnelli quyền lực của Ý kiểm soát. Thương hiệu này đã báo cáo đạt lợi nhuận ròng 250 triệu đô la trong ba tháng đầu năm 2022 với doanh số 1,2 tỷ USD. Còn Lamborghini đã đóng góp 180 triệu euro vào lợi nhuận cuối cùng của Volkswagen trong quý đầu tiên, với doanh số 592 triệu euro.
Xét về số lượng, năm ngoái Ferrari bán được 11.000 xe, trong khi 8.300 xe của Lamborghini được tiêu thụ. Lợi nhuận hai chữ số từ doanh thu bán hàng của hai công ty vừa kể là cao bất thường đối với ngành công nghiệp ô tô, vốn lâu nay được cho là có tỷ suất lợi nhuận khá khiêm tốn.
Một nét riêng khác của Ferrari chính thống chạy xăng là tính độc quyền, theo đó người mua sẵn sàng và “phải” đợi một năm mới có hàng để giao. Thứ nữa, chúng cũng là món đồ của những nhà sưu tập vốn luôn tăng giá trị theo thời gian. Thế nên không có gì là lạ khi một chiếc Ferrari cổ điển có khi được bán với giá hơn 20 triệu USD.
Thật ra việc chuyển sang sử dụng pin cũng khiến Ferrari và Lamborghini gặp phải vài khó khăn. Bởi đặc điểm của những siêu xe là có cấu hình cực thấp để giúp giảm sức cản của gió nên nóc xe chỉ cao đến thắt lưng. Kiểu thiết kế này hóa ra trở thành thách thức khi tích hợp dùng pin vốn thường được đặt dưới khoang chở khách.
Xe hơi điện được biết đến với khả năng tăng tốc êm ái, không gây tiếng ồn. Đó lại không phải là những gì người mua Lamborghini Aventador hoặc Ferrari SF90 Spider phải trả tới 500.000 USD nghĩ, bởi họ thường muốn được hưởng một cảm giác quyền lực hoang dại. Những chủ nhân này đã chấp nhận phải tạm quên đi những “vết gợn” của xe, chẳng hạn gầm thấp khiến khó quan sát tốt mặt đường, tiếng động cơ nghe điếc tai vì phát ra ngay sau ghế, tay lái cứng nhắc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Từng ấy trở ngại hóa ra mang lại một số lợi thế cho các nhà thiết kế siêu xe chạy pin. Có thể kể như, ô tô điện không cần trục truyền động dài và hộp số cồng kềnh, động cơ lại nhỏ hơn nhiều so với động cơ đốt trong, đồng thời các thành phần có thể được sắp xếp để tối ưu hóa việc phân phối và xử lý trọng lượng.
Chưa hết, Lamborghini còn đang xem xét việc trang bị trí thông minh nhân tạo cho ô tô chạy pin để tìm hiểu sở thích và phong cách lái xe của người lái, đồng thời điều chỉnh khả năng xử lý và hiệu suất cho phù hợp. Một số công ty khác cũng đang cố gắng chạy theo, mặc dù cho đến nay số lượng siêu xe điện được sản xuất còn rất nhỏ.
Rimac Automobili, một công ty Croatia có các nhà đầu tư bao gồm Porsche, Hyundai và Goldman Sachs, đã giới thiệu Nevera, một xe thể thao chạy điện có thể tăng tốc từ 0 đến 60 m.p.h. trong vòng chưa đầy hai giây, có giá trên 2 triệu đô la. Tập đoàn Zhejiang Geely Holding của Trung Quốc giới thiệu mẫu Lotus Cars. Tất cả đều có giá thấp hơn nhiều so với Ferrari hoặc Lamborghini.
Không ít đối thủ cạnh tranh khác cũng đang phát triển với tốc độ tương tự. Tại Anh, Aston Martin có kế hoạch cung cấp chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của hãng vào năm 2025. Ba năm sau đó, McLaren, một thương hiệu Anh khác, cũng dự kiến sẽ cung cấp mẫu xe chỉ chạy pin của mình.
Tuy Ferrari và Lamborghini không có kế hoạch ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong, nhưng cả hai đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở châu Âu, yêu cầu cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nên lại càng không thể đứng ngoài cuộc đua xe chạy pin.