Dòng vốn FDI sẽ diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm 2022?
(DNTO) - Các chuyên gia của VnDirect vẫn duy trì dự báo từ đầu năm nay, vốn đăng ký của các dự án FDI và vốn thực hiện của các dự án FDI vào năm 2022 sẽ tăng lần lượt 10% so với cùng kỳ và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia phân tích Đinh Quang Hinh của VnDirect cho biết, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 1,5 tỷ USD ( tăng 7,1% so với cùng kỳ) vào tháng 4/2022, do đó nâng vốn thực hiện của các dự án FDI trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 5,9 tỷ USD, tăng 7,6% (so với mức tăng 6,8% trong 4 tháng đầu năm 2021).
Mặt khác, vốn đăng ký của các dự án FDI duy trì ở mức thấp 1,9 tỷ USD (giảm 10,4% so với cùng kỳ) trong tháng 4/2022. Trong 4 tháng đầu năm, vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 11,8% xuống 10,8 tỷ USD.
Cụ thể hơn, có 454 dự án (tăng 0,7%) được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm 2022, với số vốn đăng ký 3,7 tỷ USD, giảm 56,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; 323 dự án được cấp phép trong các năm trước được phê duyệt điều chỉnh vốn tăng đầu tư (FDI tăng thêm) với tổng vốn tăng thêm 5,3 tỷ USD (tăng 92,5% so với cùng kỳ); 1.026 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,8 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn đăng ký của các dự án FDI giảm trong 4 tháng đầu năm, chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái ghi nhận một dự án quy mô rất lớn, tiêu biểu là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Long An I, II trị giá 3,1 tỷ USD; và nhà máy nhiệt điện Omon II trị giá 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, vống đăng ký của dự án FDI lớn nhất trong 4 tháng năm 2022 là nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, trị giá 1,3 tỷ USD.
"Chúng tôi kỳ vọng vốn đăng ký của các dự án FDI sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo khi Việt Nam đẩy nhanh việc mở cửa trở lại nền kinh tế và nhiều đường bay quốc tế được phép hoạt động trở lại. Ngoài ra, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng 'Trung Quốc +1' của các công ty đa quốc gia, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu nhờ chi phí lao động cạnh tranh, vị trí gần Trung Quốc và sự ổn định chính trị. Chúng tôi duy trì dự báo từ đầunăm nay rằng vốn đăng ký của các dự án FDI và vốn thực hiện của các dự án FDI vào năm 2022 sẽ tăng lần lượt 10% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái", các chuyên gia kỳ vọng.
Tăng trưởng đầu tư công có thể chậm lại do giá vật liệt xây dựng tăng cao
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố, các chuyên gia của VnDirect dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2022 tăng 6,6% lên 33,5 nghìn tỷ đồng (so với mức tăng 10,2% so với cùng kỳ trong quý 1/2022).
Trong 4 tháng năm 2022, vốn nhà nước thực hiện tăng 9,1%, đạt 109,6 nghìn tỷ đồng (thấp hơn mức tăng 18,4% trong 4 tháng năm 2021), tương đương 20,6% kế hoạch cả năm. Các chuyên gia kỳ vọng việc triển khai đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới do gói đầu tư cơ sở hạ tầng trong gói kích thích kinh tế mới, trị giá khoảng 113.050 tỷ đồng, được giải ngân từ tháng 4/2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc triển khai đầu tư công cũng đối mặt với rủi ro giảm trong tương lai gần nếu giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng vẫn ở mức cao do tác động của xung đột Nga-Ukraine và đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Các nhà thầu có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây dựng.
"Đối với năm 2022, chúng tôi duy trì dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20-30% so với thực hiện thực tế năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đầu tư công tăng trưởng âm trong sáu tháng cuối năm 2021 do làn sóng thứ ứ 4 của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội và giá vật liệu xây dựng tăng", các chuyên gia nhận định.