Hướng đi mới của các nhà bán lẻ ngoại: Bắt tay với khối nội để thực hiện tham vọng ‘bành trướng’
(DNTO) - Rút kinh nghiệm từ việc nhiều ‘ông lớn’ bán lẻ ngoại ngậm ngùi rút chân khỏi thị trường Việt Nam, một số người khác đang tích cực bắt tay với doanh nghiệp nội để mở rộng thị phần.
Từ đối đầu sang đối tác
Trong khi nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại như Central Retail (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản)… đang nỗ lực mở rộng tại thị trường Việt Nam thì một số “ông lớn” buộc phải tháo chạy do làm ăn thua lỗ như Casio, Metro… Một số khác phải ngậm ngùi chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nội địa như Auchan (Pháp) chuyển nhượng cho Saigon Coop; E-mart (Hàn Quốc) chuyển nhượng cho Trường Hải…
Việc bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam dù nhiều tiềm năng nhưng không hề dễ dàng, khi khối ngoại phải đối đầu trực diện với hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang ngày càng lớn mạnh.
Rút kinh nghiệm từ những đàn anh, ngay từ khi đặt chân vào Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã chọn cho mình một hướng đi khác. Không ‘đơn phương độc mã’ chiến đấu, Sumitomo bắt tay cùng Tập đoàn BRG để tạo ra ‘đứa con chung’ là chuỗi siêu thị Fujimart.
Sau 3 năm thử nghiệm thành công với 3 siêu thị Fujimart được mở tại Hà Nội, cuối tháng 3/2022, Sumitomo và BRG chính thức đặt bút kí kết hợp đồng liên doanh, bước vào giai đoạn mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược ở lĩnh vực bán lẻ, nhằm mở rộng chuỗi siêu thị Fujimart. Tham vọng của liên doanh này là mở mới 10 cửa hàng Fujimart mỗi năm và đạt khoảng 50 cửa hàng vào năm 2028 tại các thị trường lớn trên cả nước.
Việc phát triển liên doanh bán lẻ nội – ngoại được kì vọng sẽ mang về thế win-win cho các bên, khi khối ngoại có thế mạnh về việc vận hành, quản lý, trong khi khối nội có thế mạnh về thị trường, sản phẩm.
Liên doanh giữa Sumitomo và BRG có thể được xem là một hướng đi khôn ngoan, để tồn tại trong một thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt. Thay vì đối đầu, các bên cùng khai thác thế mạnh của nhau để phát triển, tránh được xung đột từ đối tác. Việc liên doanh này có thể mở ra hướng đi mới cho ngành bán lẻ Việt Nam.
Liên quan đến Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của mình, Bộ Công thương sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ hội đón thêm nhiều ‘đại bàng’
Theo báo cáo mới đây của Jetro, khoảng 55% doanh nghiệp Nhật vẫn muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19. Trong đó có gần 60% quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.
Số liệu FDI 3 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, lĩnh vực bán buôn bán lẻ là một trong những ngành dẫn đầu về số lượng dự án FDI mới, chiếm 27,6% tổng số dự án.
Ông Vivek Kaul, Giám đốc Ngành Bán lẻ của CBRE tại châu Á nhận định, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ lựa chọn để mở rộng kinh doanh. Trong thị trường bán lẻ, các cửa hàng vật lý sẽ tiếp tục được duy trì, cùng với sự kết hợp của công nghệ bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử sẽ là xu hướng trong năm 2022.
Trong quý đầu năm 2022, sự trở lại của các hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó có các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng.
Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%), theo Bộ Công thương.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, đối với thương mại trong nước, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng.
“Triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng. Với những áp lực về việc tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá”, đại diện Bộ Công thương cho hay.