Doanh nghiệp cần những KOL, KOC có nội dung ‘sạch’
(DNTO) - Các nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng tới cộng đồng (KOL, KOC) đang kiếm hàng tỷ đồng cho các nhãn hàng sau mỗi phiên livestream. Nhưng nhãn hàng sẽ chỉ chọn lựa những người mang đến những nội dung lành mạnh.
Khác với tình trạng đìu hiu của các cửa hàng vật lý trong ngày Black Friday, các cửa hàng online trên các sàn thương mại điện tử vẫn nhộn nhịp hoạt động mua bán.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ TikTok Shop, từ ngày 25/11 đến 17h ngày 29/11, đã có 840 phiên livestream từ 623 nhà bán hàng tham gia chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024.
Chỉ riêng phiên livestream Tự hào hàng Việt trên kênh Quang Linh Vlog tối 28/11 đã ghi nhận hơn 24 triệu lượt tiếp cận và tạo ra 31,075 đơn đặt hàng.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thị hiếu tiêu dùng và phương thức mua hàng. Người dân chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, qua các sàn thương mại điện tử, nền tảng livestream, website hoặc bài đăng của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Gen Z nổi lên cũng thúc đẩy mô hình mua sắm kiểu mới.
Do đó, một ngành nghề mới cũng ra đời là “sáng tạo nội dung trên mạng xã hội” và những người làm công việc này được gọi là KOC, KOL. Khi họ có sức ảnh hưởng tới một cộng đồng, các thương hiệu cũng lựa chọn họ để đại diện hình ảnh cho nhãn hàng hay kết hợp cùng họ để bán hàng.
"Các nền tảng như Meta, TikTok lẫn doanh nghiệp, điển hình Vinamilk, Unilever... rất cần KOC - người giúp họ quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận với công chúng và xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn", ViruSs - Streamer, nhà sáng tạo nội dung, nói tại Hội thảo chuyển đổi số ngành sáng tạo nội dung, thuộc Vietnam iContent 2024, chiều 30/11.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, KOL, KOC có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Trên thực tế, sự xuất hiện của các KOL ở mọi lĩnh vực từ làm đẹp, thời trang, nấu ăn, thể dục, chơi game, hay thương mại điện tử… trên livestream đã mang đến "làn gió mới” cho thị trường bán lẻ trong kỷ nguyên công nghệ số.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững, Unilever Việt Nam, doanh nghiệp đang sở hữu hơn 400 nhãn hàng, cũng cho biết tỷ lệ xem tivi giảm nhiều, trong khi lượng người dùng Internet tăng cao, thời điểm này thích hợp để chuyển đổi. Hiện khoảng 93% nhãn hàng tiếp cận người dùng qua video dạng ngắn.
Do đó sẽ có 50 triệu người trên toàn cầu có tiềm năng trở thành nhà sáng tạo, nhưng Unilever hướng đến tạo nội dung số tích cực, truyền cảm hứng cho mọi người. Đây cũng là cách nhãn hàng xây dựng lòng tin với người tiêu dùng qua nội dung văn minh.
“Bứt phá nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, tạo tích cực cho xã hội không chỉ là trách nhiệm của các nhãn hàng, mà còn là trách nhiệm của mọi nền tảng, nhà sáng tạo số”, bà Nhi nói.
Ý thức được việc các thương hiệu cần KOL, KOC để quảng bá thương hiệu và bán hàng, nhưng họ cũng chọn lọc kĩ lưỡng người sẽ đại diện cho sản phẩm, thương hiệu của họ, Uy Lê - Giám đốc sáng tạo Saigon Tếu đề cao sự tử tế trong mỗi sáng tạo. Tức nội dung nhân văn, nhỏ nhưng có thể chạm đến trái tim khán giả, dẫn đến sự thay đổi nào đó.
"Muốn người ta tin mình, mình phải thật nhất có thể và chia sẻ giá trị", anh nói đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa giao tiếp trong mỗi nội dung hài độc thoại. “Nội dung ấy có vượt qua sự ranh giới khác biệt, đụng đến lằn ranh, nhưng không độc hại và mang đến tiếng cười vui nhộn. Diễn viên luôn phải đi tìm sự vi phạm, có sự nhạy cảm”.
Ở phía những người tạo ra sân chơi cho KOL, KOC, bà Phương Huỳnh, Quản lý đối tác chiến lược từ YouTube cho rằng nền tảng mạng xã hội cần có chủ trương tạo cộng đồng lành mạnh, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy tắc, chính sách... qua đó giúp người dùng thoát khỏi hành vi lừa đảo, độc hại.
Bà nhấn mạnh áp dụng bộ quy tắc cộng đồng, ghi rõ nội dung nào có thể xuất hiện hoặc cấm xuất hiện trên nền tảng nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh nhất cho người dùng. Yếu tố này áp dụng cho tất cả định dạng nội dung, từ video dài, video ngắn, livestream thời gian thực hay podcasts.
"Chúng tôi trao quyền cho người dùng, họ có thể chặn kênh mình không thích, ẩn nhận xét nguy hiểm khi livestream thời gian thực", đại diện Youtube nói.