Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho giai đoạn phục hồi sản xuất?

(DNTO) - Thời gian và cơ hội còn lại trong năm 2021 dù không nhiều nhưng nếu doanh nghiệp biết tận dụng, nắm bắt và có chiến lược bài bản cho giai đoạn nước rút này, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng “chiếc lò xo” kinh tế được dịp bung mạnh sau thời gian dồn nén do dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị phương án sản xuất an toàn để có thể phục hồi sớm nhất. Ảnh:TL.
Háo hức chờ ngày tái xuất, song các doanh nghiệp cũng không khỏi lo lắng, bởi sau thời gian dài "ngấm đòn" Covid-19, hầu hết đều đang ở mốc đáy của sự khủng hoảng. Vì thế, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là cần có chiến lược xây dựng phương án chung sống, sản xuất an toàn với Covid-19.
Đưa ra giải pháp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp cần hướng tới việc tái cấu trúc để không chỉ ứng phó với dịch Covid-19, duy trì hoạt động, mà còn phải thay đổi cả mô hình, cấu trúc kinh doanh để hướng tới việc kinh doanh bền vững hơn; vì lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp và cũng để nâng cao năng lực hấp thụ những chính sách mà Chính phủ sẽ đưa ra những gói kích thích hướng đến phát triển nhanh, bền vững trong thời gian sắp tới.
"Từ phía doanh nghiệp, sự thích ứng hay thay đổi để hướng tới phát triển bền vững vừa mang tính chất nội tại, vừa là yếu tố bên ngoài “ép buộc” họ không làm cũng phải làm để tồn tại và phát triển lâu dài", ông Hiếu nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công (Biên Hòa) cho rằng, doanh nghiệp cần đào tạo kiến thức và tinh thần cho nhân viên, chính sách đồng hành cùng người lao động, thiết kế các gói an sinh để họ không rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc bị cô lập.
Bên cạnh đó, chuyển đổi hệ thống quản lý từ phương thức truyền thống sang làm việc trên hệ thống tự động từ kho, tổ chức sản xuất hàng hóa… Đồng thời, chú trọng hơn vào công tác đào tạo để chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi sau dịch, bắt nhịp lại nhanh và tận dụng cơ hội của thị trường.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng bên cạnh việc tiêm vaccine, cần trang bị cho đội ngũ của doanh nghiệp kiến thức căn bản về y tế để họ có thể tự xây dựng hệ thống tại chỗ.
"Nếu doanh nghiệp được đào tạo và trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất thì hoàn toàn có thể chủ động trong việc ứng phó, giống như việc sơ cứu ban đầu vậy”, bà Xuân cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, thông tin thị trường là yếu tố hàng đầu mọi doanh nghiệp phải có.
Bên cạnh đó, từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, sản xuất cũng phải có những thay đổi cho phù hợp. Trong đó, mắt xích chế biến có nhiều việc phải làm. Thời cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp tôm đang lo lắng tìm cách cơ khí hoá, tự động hoá những khâu có thể nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
“Vấn đề là chọn công nghệ nào phù hợp túi tiền, nhất là khi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, vì lựa chọn không khéo thì mới trang bị xong là lạc hậu. Nay, khó khăn ập đến mới thấy việc trang bị các thiết bị nêu trên là cần thiết, thậm chí là cấp thiết để không bị động do thiếu nhân lực”- ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Bên cạnh đó, để phục hồi sản xuất, chỉ mình doanh nghiệp thì chưa đủ, cần phải có sự chăm lo của Chính phủ, ngành về chủ trương, chính sách phù hợp và nhất quán. Đó cũng là một bước đi tích cực trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành đã được Chính phủ ký thông qua đầu năm 2021 nhằm hướng tới một ngành kinh tế mạnh, ổn định và bền vững.
Về vấn đề này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Fulbright đánh giá: Trải qua kỳ "ngủ đông" kéo dài, đa số doanh nghiệp bị bào mòn năng lực, sức khỏe đã kiệt quệ. Do đó, để doanh nghiệp sẵn sàng cho "ngày trở lại", cần có sự hỗ trợ,“bơm máu” kịp thời để giúp họ nhanh chóng hồi sinh.
Vì thế, ngay từ lúc này, Nhà nước cần thống kê để đánh giá cụ thể từng ngành nghề, từng lĩnh vực xem tình hình của họ hiện như thế nào, phải chịu những gánh nặng ra sao về chi phí hoạt động, chi phí lao động, tài chính… Từ đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như thuế ưu đãi phục hồi, lãi suất ưu đãi, các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi cung ứng.
"Với các chính sách hỗ trợ sắp tới, cần làm một cách mạnh dạn hơn, dứt khoát hơn. Quá thận trọng thì sẽ thất bại, cuối cùng, không ai được nhận gì”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu quan điểm.