TP.HCM: Shipper được giao hàng liên quận từ 16/9
(DNTO) - Đó là thông tin được ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ với người dân trong buổi livestream đối thoại của chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời".
Trong chương trình, ông Lê Hòa Bình cho biết, từ ngày 16/9, thành phố cho phép lực lượng shipper được chạy liên quận, với điều kiện phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Cụ thể hơn, ông Bình chia sẻ: "Để chuẩn bị cho việc này, chúng tôi có những phương án thận trọng, nguyên tắc dịch tễ vẫn phải được tuân thủ. Sắp tới đây, từ 16/9 đến 30/9 là giai đoạn chúng ta chuẩn bị, thí điểm tại những vùng an toàn. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho lực lượng shipper từ ngày 16 đến hết tháng 9, nhằm giảm bớt chi phí liên quan đến việc bà con đặt hàng".
MC của chương trình, nghệ sĩ Quyền Linh thay lời bà con thành phố đặt vấn đề với Phó chủ tịch UBND TP.HCM: "Shipper đã tiêm đủ mũi vaccine, test nhanh âm tính thì được di chuyển liên quận, vậy người dân cũng thực hiện đủ các quy định y tế như vậy thì sao, có được ra đường hay không?".
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo thành phố đang rất trăn trở. "Tuy nhiên, khi lãnh đạo thành phố quyết định điều gì thì cũng phải nghĩ đến việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết.
Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho lực lượng shipper từ ngày 16 đến hết tháng 9, nhằm giảm bớt chi phí liên quan đến việc bà con đặt hàng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình
Thành phố cũng đang tích cực triển khai phần mềm để tích hợp các dữ liệu dịch tễ, tiêm chủng, lộ trình của người dân. Khi đó, câu chuyện để người dân ra đường an toàn sẽ được giải quyết. Đây là các công việc mà lãnh đạo thành phố đã tính tới từ tháng 8, nhưng rất nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết, chuẩn bị", ông Bình chia sẻ.
Một người dân đặt câu hỏi trên fanpage chương trình: "Nếu trong giai đoạn từ 16 đến 30/9 mà vẫn tiếp tục phát sinh số ca nhiễm cao, thì sau ngày 30 có giãn cách tiếp không?", ông Bình cho biết, thành phố cũng không muốn tiếp tục giãn cách thêm nữa nên mọi biện pháp, sự chuẩn bị đối với 3 đơn vị hành chính đã công bố kiểm soát dịch, vùng xanh được thí điểm sẽ là cơ sở quan trọng, để xem bước đi đã an toàn chưa. Sau đó, thành phố sẽ có những bước đi tiếp theo.
"Tôi mong bà con thành phố chia sẻ với chính quyền, bản thân chúng tôi cũng là người dân của TP.HCM, chúng tôi rất hiểu khó khăn của bà con, những mất mát, kể cả tính mạng. Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ kiểm soát được dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM như trước đây", vị Phó chủ tịch bày tỏ.
Về vấn đề tổ chức cho người dân các tỉnh có nguyện vọng về quê, ông Lê Hòa Bình khẳng định TP.HCM là thành phố nghĩa tình: "Không phân biệt quê quán, nghề nghiệp,... những người đến thành phố lao động, làm việc, học tập, tạo ra của cải vật chất cho thành phố thì chúng tôi đều rất quý và xem họ như người dân của thành phố. Chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để hỗ trợ những khó khăn cho bà con bằng những gì tốt nhất đang có. Cũng mong bà con chia sẻ, chúng ta đang trong giai đoạn "ai ở đâu ở đấy" để dịch không lây lan rộng hơn.
Trong tình hình hiện nay, các tỉnh, thành phía Nam cũng đang trong giai đoạn giãn cách, bà con nếu có nhu cầu về quê, thành phố rất sẵn sàng với nguyên tắc có người đưa đi thì phải có người đón về vì bà con hiện nay không thể tự đi được, các tỉnh cũng phải có kế hoạch để đón người dân về và thành phố sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xét nghiệm, vaccine,... Tuy nhiên, tốt nhất trong thời gian này vẫn không nên di chuyển, hãy cùng chịu khó một thời gian ngắn nữa để cùng vượt qua giai đoạn này".
Một người dân thắc mắc liệu sau ngày 30/9, các công trình xây dựng có được hoạt động lại không? Ông Bình cho biết: "Chắc chắn sẽ được tổ chức hoạt động trở lại, nhưng hoạt động theo đúng các tiêu chí an toàn. Chúng tôi đã xây dựng Bộ Tiêu chí an toàn cho công trình xây dựng, và thực tế trong thời gian giãn cách, các công trình trọng điểm vẫn đang được thực hiện, điển hình như công trình cầu Thủ Thiêm 2 vẫn thi công theo phương án "3 tại chỗ", đảm bảo phòng, chống dịch. Nếu không xây dựng, không phát triển đô thị thì sẽ không có cơ sở vật chất để phát triển thành phố.
TP.HCM có trên 62% là thương mại dịch vụ mà hạ tầng của dịch vụ gắn với xây dựng. Chúng tôi đã chỉ đạo 3 đơn vị hành chính quận 7, Củ Chi, Cần Giờ từ 16-30/9 phải đăng ký các công trình vốn đầu tư công và vốn ngoài đầu tư công đủ điều kiện tổ chức thi công lại. Một trong những việc mà đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo là nhân điều kiện này để sắp xếp lại nhà cho công nhân thuê".