258 doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sau 2 năm thực hiện Luật Cạnh tranh
(DNTO) - Luật Cạnh tranh 2018 đang dần đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ cho các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sau hơn 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong nội dung quy định. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cũng như phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế-xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, Luật Cạnh tranh 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Theo Ban Chỉ đạo 35, Bộ Công thương, qua 2 năm tổ chức thực thi, Luật Cạnh tranh 2018 đã góp phần tăng cường triển khai kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường.
Từ năm 2019 đến nay đã tiếp nhận và xử lý 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 với số lượng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là 258 đơn vị, trong đó, số lượng doanh nghiệp nước ngoài là 131 (chiếm 51%) và doanh nghiệp Việt Nam là 127 (chiếm 49%).
Về quản lý hạn chế cạnh tranh, Ban Chỉ đạo 35 đã chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng khoảng gần 100 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã có báo cáo Hội đồng Cạnh tranh để xử lý đối với 4 vụ việc, trong đó có những vụ việc có tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm như vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường du lịch, vụ việc Grab/Uber.
Cũng trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, đã tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh với 18 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh 2004, thu về tổng số tiền phạt 1,621,000,000 đồng, chủ yếu là các dạng hành vi: Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, dèm pha doanh nghiệp khác, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, bán hàng đa cấp bất chính.
“Với những kết quả đạt được, có thể nhận thấy, bước đầu Luật Cạnh tranh 2018 đã được triển khai thực hiện và dần đi vào cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên thế giới, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, đặc biệt là xu hướng gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập có vốn đầu tư nước ngoài”, Ban Chỉ đạo 35 cho biết.
Mặc dù vậy, sau 2 năm Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, việc triển khai tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh 2018 còn gặp khó khăn do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được thành lập, nên công tác điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn 2019-2021 không thể triển khai theo quy định.
Trước tình hình này, Bộ Công thương cho biết đã báo cáo các cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hướng tới xây dựng một cơ quan cạnh tranh đảm bảo vị thế độc lập, hiệu quả. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.