Áp giá sàn vé máy bay: Tước quyền của khách hàng, vi phạm Luật Cạnh tranh?
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng, áp giá trần và sàn cho vé máy bay là hình thức quản lý kinh tế cứng nhắc, phi kinh tế thị trường và triệt tiêu sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng bay.
Tại buổi làm việc với Cục Hàng không vào đầu tháng 4/2021, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) lại một lần nữa đề xuất cho áp dụng giá sàn vé máy bay. Đáng nói vào năm 2017 cũng chính VNA đã đề xuất và đã vấp phải sự phản đối.
Từ đề nghị của VNA, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đang “nghiên cứu, xem xét” và yêu cầu các hãng hàng không báo cáo, giải trình về việc thực hiện Luật Cạnh tranh và Luật giá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp giá sàn vé máy bay là trái luật, triệt tiêu động lực cạnh tranh phát triển của các hãng hàng không, tước bớt quyền lựa chọn của khách hàng và cản trở phục hồi nền kinh tế.
Hàng không như khách sạn, chọn loại nào là quyền của khách
Dịch COVID-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, gần 100% máy bay của các hãng đang phải “trùm mền” nằm sân. Nhiều khách cho biết kể cả hãng hàng không bán vé 0 đồng họ cũng không bay chứ chưa nói gì đến giá sàn, tức là phải mua vé với mức bằng hoặc cao hơn giá thành của các hãng hàng không.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines là tước đi cơ hội mua giá rẻ của người tiêu dùng.
“Việc áp dụng mức giá sàn là tước đi cơ hội tiếp cận giá rẻ của người tiêu dùng mà hiện nay họ đang được hưởng, nhờ giải pháp kích cầu của doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thu nhập thấp, nhờ giá vé rẻ mà tiếp cận được dịch vụ hàng không, giúp họ đi lại nhanh chóng, thuận tiện, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, quyền lựa chọn là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội không đồng tình với đề xuất áp giá sàn vé máy bay của VNA.
Theo các chuyên gia, ngành hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng chở khách với những phân khúc khách hàng khác nhau, bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường, không có hãng độc quyền. Hàng không cũng giống như khách sạn, có nhiều loại, kể cả 3, 4, 5 sao. Việc chọn khách sạn mấy sao, ở khách sạn nào với giá bao nhiêu là quyền của người tiêu dùng. Không thể áp giá sàn hoặc khung giá đối với phòng nghỉ khách sạn hay vé bay hàng không.
Ông Trần Văn Đại, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đại Việt cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay là phi thị trường. Việc áp mức giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, từ đó đẩy giá thành tour tăng theo.
"Thực tế, mỗi hãng có phân khúc khách hàng, thị phần nhất định như dòng khách bình dân, trung cấp hoặc cao cấp. Các hãng có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ ưu tiên… thay vì đề xuất áp giá sàn vé máy bay để tạo lợi thế nghiêng về một vài hãng nhất định, ảnh hưởng đến quyền lợi và thiệt thòi cho khách hàng", ông Đại nói.
Trái Luật giá
Đồng quan điểm với việc áp giá sàn sẽ tước đi cơ hội giá rẻ của người tiêu dùng, TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng: Đề xuất áp giá sàn là quyền của VNA nhưng Nhà nước không việc gì phải can thiệp vào giá vé máy bay.
Theo ông Thỏa, chưa có dấu hiệu cho thấy có chuyện cạnh tranh về giá để triệt hạ đối thủ. Đối với những chương trình khuyến mại giá 0 đồng, TS Thỏa cho rằng hãng tung ra chương trình này mà vẫn sống được là nhờ nghệ thuật phân hoá giá.
“Người ta có thể bán 0 đồng hay nhiều đồng, căn cứ vào nhu cầu, mùa vụ đi lại, ví dụ như ngày cao điểm, giờ cao điểm, mùa hè, mùa du lịch thì các hãng thường bán giá khá cao... Ngược lại, mùa thấp điểm, mùa dịch, giờ thấp điểm…cần kích cầu đi lại thì các hãng bán giá thấp. Từ đó hãng phân hoá giá để tổng giá cuối cùng vẫn có lãi, đảm bảo bù đắp được chi phí”, TS Thỏa nói.
Theo ông Thỏa, mỗi hãng cũng có mô hình, phương thức kinh doanh khác nhau. Có hãng lấy chất lượng phục vụ để cộng vào giá; có hãng lấy doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ “ăn theo” vận chuyển khách để bù cho khoản giảm giá vé; có hãng lấy doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ đầu vào cho hàng không để bù vào giá vé…Vì thế, theo TS Thỏa, khi kiểm soát giá vé cần phải tính đầy đủ và khoa học các yếu tố hình thành, các yếu tố bù trừ giá vé và đặc trưng mang tính mùa vụ, thời điểm của thị trường. Đồng thời, không can thiệp vào quyền quyết định về giá của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.
Hơn nữa, theo Luật Giá năm 2012, giá vé máy bay không nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giá, “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, nếu áp dụng giá sàn vé bay thì đây là hành vi trái với Luật Giá và đi ngược với chính sách, môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng mà Chính phủ đã nỗ lực gây dựng, thực hiện trong 10 năm qua.
Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng không đồng tình với đề xuất áp sàn giá vé máy bay.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng các hãng hàng không giá rẻ cũng như các hãng hàng không khác đã cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh.
"Hãy để cho các hãng hàng không cạnh tranh với nhau. Từ đó, các hãng sẽ áp dụng công nghệ và quản lý một cách hợp lý nhất, cạnh tranh thực chất trong việc cải tiến chất lượng, lúc bấy giờ người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn", TS Doanh nói.
Theo ông Doanh, hãy để cho họ cạnh tranh, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất.
"Trong trường hợp nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường", TS Doanh khẳng định.
Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh
Khi kiến nghị áp giá sàn lên Bộ GTVT và Chính phủ, VNA viện lý do hãng đang lỗ lớn vì đại dịch COVID-19, nếu các hãng tiếp tục bán vé giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến VNA và ngành hàng không, dẫn đến hãng hàng không Việt yếu đi khi mở bay quốc tế cạnh tranh với hãng nước ngoài.
Tuy nhiên, “các hãng khác cũng bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch, tại sao họ lại không đề xuất áp giá sàn như VNA?”, TS Thỏa đặt vấn đề.
Tại Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ: “Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, TS Thỏa lấy dẫn chứng.
Nếu áp giá sàn đồng loạt là triệt tiêu tự do cạnh tranh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chủ trương kích cầu ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Còn nói như TS Nguyễn Mạnh Hùng thì, đề xuất giá sàn của VNA không xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng và xã hội.
“VNA không thể tri ân người dân, khách hàng bằng cách đề nghị nâng giá vé của toàn ngành hàng không. Trong khi các hãng khác không được hỗ trợ khoản vay này vẫn tiếp tục giảm giá, kích cầu và không đề nghị áp giá sàn”, ông Hùng nói.
Tại Điều 5, Luật Hàng không quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng: Cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.
Mặt khác, hiện nay cả nước có 6 hãng bay chở khách, riêng VNA Group có tới 3 hãng. Khoản 1 Điều 11 Luật cạnh tranh quy định: "Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể".
Vì thế, cùng với việc được tạo lợi thế cạnh tranh kể trên, chuyên gia cho rằng thay vì "nghiên cứu" giá sàn hay khung giá vé bay, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của chính VNA.
Những năm gần đây, sự tham gia của các hãng hàng không với giá vé cạnh tranh mang lại nhiều cơ hội đi máy bay cho hành khách. Nhiều chương trình khuyến mãi giá rẻ được tung ra, đặc biệt là từ năm 2020 lại đây, cuộc đua giảm giá đã khiến giá vé máy bay nhiều lần chạm đáy, người được hưởng lợi đầu tiên là hành khách. Nếu thực hiện áp giá sàn, cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng bay nội địa sẽ bị triệt tiêu, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi.
Do đó, nên tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường./.