Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì khi hoạt động trở lại sau kỳ 'ngủ đông'?
(DNTO) - Mong mỏi từng ngày được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp tại Cần Thơ đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng tái xuất sau kỳ “ngủ đông” kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó tốt hơn với dịch bệnh cũng được đặt ra.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dịch bệnh kéo dài, gần 2 tháng qua, Cần Thơ đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trên 10.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Theo báo cáo từ Sở Công thương Cần Thơ, tính đến chiều 9/9, có 1.006 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tương đương 92,29% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố) với 65.293 lao động nghỉ việc (chiếm tỷ lệ 93,36% tổng số lao động).
Cụ thể, có 155 doanh nghiệp trong tổng số 170 doanh nghiệp ở các khu chế xuất và công nghiệp; 851 trong tổng số 920 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất và công nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, mô hình “vùng đệm” gặp khó vì phát sinh chi phí, hơn thế, nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được tại nhà máy...
Làm gì để "cởi trói" cho doanh nghiệp là câu hỏi của ông Nguyễn Thái Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phụ trách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra đối với lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ ngày 10/9, tại hội nghị trực tuyến đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố để trao đổi, lắng nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị và phương án hỗ trợ doanh nghiệp mở lại hoạt động sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, tại hội nghị, bà Huỳnh Thiên Trang, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ đã đưa các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo bà Trang, cần có lộ trình mở cửa nhóm ngành ưu tiên vừa đảm bảo sản xuất vừa an toàn trong phòng, chống dịch: Nhóm ngành sản xuất đông công nhân; nhóm ngành nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông lâm thủy sản; nhóm ngành thương mại dịch vụ; nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng.
Để có thể quay trở lại sản xuất, đối với nhóm ngành đông công nhân, lao động phải được tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine, lao động "vùng xanh" có thể đi làm nhưng có kiểm soát thông qua xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp chưa từng có ca nhiễm,... là những điều kiện ưu tiên; thực hiện theo mô hình "con người xanh, doanh nghiệp xanh, tuyến đường xanh".
Nhóm nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông thủy sản, ưu tiên tiêm ngay cho nhóm đối tượng là thương lái vận tải, bốc vác, người thu mua nguyên liệu...
Nhóm ngành thương mại, dịch vụ, ưu tiên tái khởi động chợ truyền thống với 50% thương nhân được kiểm soát bởi ban quản lý chợ; sớm ưu tiên nhà hàng, cơ sở ăn uống... thực hiện bán mang về và tại chỗ với quy định giãn cách trên diện tích phục vụ. Những việc này sẽ giải quyết ngay thu nhập hàng ngày cho các cơ sở nhỏ cũng như lượng lao động đang chờ trợ cấp, giảm áp lực cho thành phố.
Đối với nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng cần được cấp phép theo tỷ lệ từng giai đoạn, ngành xây dựng ưu tiên cho các nhóm đầu tư công. Đối với các ngành như du lịch, lữ hành, khách sạn cần cho phép thực hiện tour khép kín từ điểm đi đến chuyến bay, khách sạn dành cho du khách có đủ 2 liều vaccine.
Ngoài ra, để Cần Thơ thực hiện tốt "mục tiêu kép" khi mở cửa trở lại, bà Huỳnh Thiên Trang cho rằng, chính quyền thành phố Cần Thơ cần xây dựng lộ trình mở cửa phù hợp. Có thể sớm gỡ bỏ giãn cách, giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 15/9) mở cửa nội vi thành phố; giai đoạn 2 (từ 15/9 - 30/9) kết nối các địa phương trong vùng và thành phố là trung tâm để vận chuyển hàng hóa và giai đoạn 3 (từ tháng 10) kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM để hàng hóa được tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi.
"Nếu gỡ bỏ giãn cách mà không kết nối với các tỉnh trong vùng và TP.HCM thì không giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp", bà Trang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Cần Thơ cũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ nên đứng ra tổ chức hội nghị phối hợp trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế giữa các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp dỡ bỏ 'rào cản" tại mỗi tỉnh, thành để hàng hóa được lưu thông thuận lợi.
Ông Hào cũng đề xuất, đối với các doanh nghiệp sản xuất đang áp dụng mô hình "3 tại chỗ" thì cho phép doanh nghiệp đổi nhóm người lao động 3 tuần/lần để bảo đảm việc ổn định tâm sinh lý của họ khi liên tục ở cách xa gia đình quá lâu. Điều kiện sinh hoạt "3 tại chỗ" cũng rất hạn chế không tạo không gian đủ thoải mái cho người lao động làm việc có năng suất và chất lượng.
Bàn thêm về giải pháp, ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đề xuất, sau khi thành phố Cần Thơ đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, để đẩy mạnh khôi phục hoạt động sản xuất, doanh nghiệp được xây dựng và triển khai phương án “2 tại chỗ” (đi về trong ngày, công ty cấp giấy đi đường cho người lao động, chịu trách nhiệm với nội dung Giấy đi đường đã cấp).
Để có hướng "mở cửa" sau giãn cách nhằm đem lại hiệu quả vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ cố gắng tìm các nguồn vaccine để triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên là người lao động để công nhân quay trở lại sản xuất; đồng thời đề nghị các sở, ngành tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, sau hội nghị, hoàn thành phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm 2021; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn vay, phương án sản xuất.