Đầu tư chứng khoán: Đã đến lúc cần đủ tiền và cả lòng dũng cảm?
(DNTO) - Thị trường tiếp tục một phiên rớt sâu khi VN-Index mất hơn 22 điểm quay lại với mốc 1.023 điểm, trước nhiều tác động từ các yếu tố vĩ mô bên ngoài. Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán đang đặt nhà đầu tư trước nhiều thử thách mới.
Chỉ số VN-Index liên tục lao dốc suốt phiên đủ để thấy tâm lý bi quan bao phủ thị trường. Lực bán áp đảo trong khi lực cầu suy yếu khiến hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm. Thống kê đến đầu phiên chiều, thanh khoản bán chủ động đã chiếm đến hơn 70% tổng thanh khoản của thị trường.
Đang chú ý, khối ngoại dù đã liên tục mua ròng trong chín phiên gần đây cũng bất ngờ trở tay bán mạnh, riêng trên HoSE giá trị bán ròng hơn 340 tỷ đồng.
Thị trường quay trở lại với 1.023 điểm, mất 22 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Những thông tin tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đã không thể hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Thay vào đó, áp lực từ thông tin vĩ mô bên ngoài từ thị trường tài chính thế giới với sự sụp đổ từ các ngân hàng lớn trên thế giới lại đè nặng tâm lý thị trường.
"Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường hiện tại vẫn đang là vùng điểm 1.015-1.025 điểm. Nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung giảm dưới khu vực này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức báo động", các nhà phân tích của VCBS lo lắng phân tích.
"Nhà đầu tư cần đủ tiền và cả lòng dũng cảm?"
Dù VN-Index đang trên đà xuống sâu nhưng theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư LCTV, những tín hiệu tốt của thị trường đã xuất hiện.
Ông Đức phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất điều hành là động thái đúng và kịp thời để gỡ khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Và mỗi chính sách sẽ có sự ổn định từ 6 tháng đến 1 năm chứ không thể ngày một ngày hai thay đổi. Trong khi đó, thông tin lãi suất từ Fed rất quan trọng. Nếu trong cuộc họp tới, cơ quan này giảm mức tăng lãi suất so với dự định trước đó, đồng thời đây là đợt tăng cuối cùng thì rõ ràng thị trường chứng khoán trong nước sẽ được hưởng lợi.
"Như có người nói: 'Đỉnh lãi suất là đáy chứng khoán', khi đỉnh lãi suất xuất hiện thì cơ hội sẽ xuất hiện", ông cho biết
Tuy nhiên, tiền bơm vào thị trường chứng khoán từ việc lãi suất hạ cũng không thể nhanh chóng hấp thụ mà cần vài tháng do độ trễ chính sách.
"Dù vậy chặng đường cuối đã hiện dần. Các tín hiệu thị trường cũng đã xuất hiện, nhà đầu tư cần thông minh và lý trí hơn", ông Đức nói.
"Khi ở vùng đáy chúng tôi thích câu nói, đại ý: Khi xuống đáy, bạn cần đủ tiền và cả lòng dũng cảm. Có thể có thể nhiều nhà đầu tư đang không có cả hai", ông cho biết.
Một điều đáng nói, theo phân tích của ông Đức, chỉ số CPI trong tháng 3 trong nước sẽ thay đổi bởi giá dầu đã thủng đáy, thực tế giá dầu chiếm 57% trong rổ CPI Việt Nam. Giá nhiều loại thịt giảm. Lạm phát trong tháng được nhận định khả năng giảm dưới 4%.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục có đợt tăng lãi suất cuối, giá nhà đất và chỉ số giao dịch xây dựng giảm dần, khả năng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Khá bất ngờ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại bơm ra 300 tỷ đô la để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng phá sản, khiến bảng cân đối đang đi xuống lại nhảy vọt lên.
"Trong cuộc họp tới các quan chức của Fed sẽ đau đầu, hoặc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng hoặc tăng lãi suất? Và điều này càng chứng tỏ chúng ta đang ở cuối con đường", ông Đức nhận định.